Bài học đắt giá từ vụ cháy tàu cá ở Phú Hài

Pháp luật - Ngày đăng : 05:33, 11/12/2023

Vụ cháy tàu cá ở Phú Hài (TP. Phan Thiết) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. May mắn, vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng có đến 11 chiếc tàu công suất lớn bị cháy. Đây cũng là vụ cháy gây thiệt hại lớn nhất về tài sản đối với ngư dân tỉnh ta từ trước đến nay…

Hậu quả nghiêm trọng từ hành động bất cẩn

Cháy nổ là điều không ai mong muốn xảy ra và chúng ta hoàn toàn tránh được hỏa hoạn nếu tuân thủ đầy đủ quy định, khuyến cáo về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trở lại vụ cháy tàu cá nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa và đóng tàu Phan Thiết (thuộc khu phố 2, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) thì điều đó một lần nữa được khẳng định. Bởi theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân của vụ cháy được xác định do trong quá trình sửa chữa tàu cá BTh 99897 TS của một nhóm công nhân đã để bụi hàn rơi vãi xuống khu vực sàn tàu có dầu nhớt dẫn đến cháy.

z4951633248449_923d91c0a6d9848af4022d626a34349d.jpg
Bất cẩn của thợ hàn làm 11 tàu cá bị cháy.

Trên thực tế, trong quá trình thi công, việc hàn hay cắt sắt thép, dù là dùng khí hóa lỏng hay dùng điện, nhiệt độ tâm lửa có thể đạt tới 3.0000C, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700 - 1.8000C. Quá trình hàn cắt sẽ phát sinh các hạt kim loại nóng chảy bắn ra xung quanh, khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như giấy, bông, xốp, xăng dầu sẽ rất dễ gây hỏa hoạn. Vì khi đốm lửa nhỏ không được phát hiện và dập tắt kịp thời, nó sẽ nhanh chóng lan thành đám cháy lớn, thiệt hại lúc đó sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Mối nguy hiểm từ hàn cắt kim loại là vậy, nhưng khi thi công các hạng công trình, không ít người đứng đầu cơ sở sản xuất kinh doanh thường chỉ thuê công nhân ở các cơ sở nhỏ, thậm chí là thợ tay ngang hành nghề tự do. Đây là những thợ hàn chưa được đào tạo bài bản về kỹ thuật, không được tập huấn nghiệp vụ về PCCC; khi hàn cắt kim loại không đảm bảo các biện pháp an toàn PCCC; không cử người trông coi, không có biện pháp cách ly vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt; không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực làm việc, không chú ý đến tính an toàn của các dụng cụ sử dụng để hàn cắt. Và vụ cháy tàu cá ở Phú Hài là một minh chứng.

z4944693048304_55c6072feb8a4a5bd7e6ce6271cdf445.jpg
z4922350436013_da71ed8ba4104e404cc998550a1a66eb.jpg
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thực tập cứu nạn cứu hộ và chữa cháy. 

Phải tự giác chấp hành quy định PCCC

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngoài vụ cháy 11 tàu cá, ngày 31/8/2023 còn xảy ra vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh vô cùng thương tâm tại xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết. Vụ cháy nhà đã cướp đi sinh mạng của 4 người và làm 1 người bị thương; nguyên nhân do chập điện.

Để ngăn ngừa cháy nổ và hạn chế đến mức thấp nhấtt thiệt hại do cháy nổ, Công an tỉnh và các ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp PCCC, từ việc tuyên truyền đến kiểm tra, xử lý vi phạm, hướng dẫn, diễn tập PCCC. Trong kiểm tra, năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, kiến nghị khắc phục hơn 8.800 lỗi thiếu sót về PCCC, xử phạt 76 trường hợp vi phạm. Trong xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, đến nay toàn tỉnh còn thành lập được 2.497 đội PCCC cơ sở với 14.982 đội viên; xây dựng 672 tổ liên gia an toàn PCCC và 646 điểm chữa cháy công cộng (tăng 6 lần so với số lượng đề ra).

Với những thiếu sót đã chỉ ra cũng như thực tế việc thực hiện PCCC tại các cơ sở, khu dân cư cho thấy, nguy cơ cháy nổ vẫn rất lớn, hậu quả không thể lường hết được. Công an tỉnh xác định, công tác phòng ngừa sự cố tai nạn về cháy, nổ có hiệu quả hay không phải dựa trên phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Vì vậy, cùng với việc đổi mới công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC của ngành chức năng và chính quyền địa phương thì người dân phải tự giác chấp hành nghiêm những yêu cầu, khuyến cáo về PCCC, chủ động trang bị các thiết bị PCCC theo quy định để phục vụ công tác tập huấn và sử dụng nếu xảy ra cháy.

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề, thường xuyên kiểm tra, sát hạch trình độ tay nghề đối với đội ngũ thợ hàn, cắt kim loại trước khi cắt cử công nhân tham gia thi công một công trình nào đó. Đặc biệt là công tác giám sát việc hàn, cắt kim loại trong khi sửa chữa, nâng cấp nhà cửa ở các khu dân cư hoặc công trình tương tự. Bởi, chỉ cần một tia lửa nhỏ không được kiểm soát chặt chẽ của thợ hàn xì, sẽ là mối họa lớn cho xã hội khi ngọn lửa bùng lên thành đám cháy lớn…

LÊ PHÚC