Thế mạnh công nghiệp ở vùng ven biển Tuy Phong
Kinh tế - Ngày đăng : 10:51, 16/09/2019
Thu hút nhiều dự án năng lượng sạch
Tuy Phong là huyện phía Bắc của tỉnh, có 12 đơn vị hành chính, trong đó có 9 xã, thị trấn giáp biển với chiều dài khoảng 50 km. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng kinh tế biển. Mặc dù còn nhiều khó khăn về phát triển nông nghiệp vì vùng đất quanh năm đầy nắng gió, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện Tuy Phong, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, một số lĩnh vực có sự chuyển biến rõ nét. Sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng khá, thu hút nhiều dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp nhất là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đến thời điểm này, Tuy Phong đã thu hút được 27 dự án đăng ký đầu tư (23 dự án điện mặt trời, 4 dự án điện gió), trong đó có 11/27 dự án đã đi vào hoạt động. Đối với dự án điện gió, có 2/4 dự án được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích là 3.130 ha, tổng công suất 212,5 MW đi vào hoạt động giai đoạn 1 với tổng công suất 54MW, diện tích sử dụng đất khoảng 52 ha. Đặc biệt, dự án điện gió Bình Thạnh 1 là “Dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam” và dự án điện gió Phú Lạc 1 được quốc tế bình chọn là “Dự án điện gió tiêu biểu châu Á” năm 2017. Ngoài ra, có 1 dự án đã chuyển mục tiêu sang điện mặt trời và 1 dự án chưa đầu tư xây dựng; 2 dự án điện gió trên biển xin đăng ký đầu tư tại huyện.
Đối với dự án điện mặt trời, tính đến cuối tháng 6/2019, có 9/23 dự án điện mặt trời được triển khai hoàn thành theo tiến độ và đi vào hoạt động với tổng công suất lắp đặt là 308,63MW, diện tích sử dụng đất khoảng 508 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 9.981 tỷ đồng. 14 dự án còn lại đã thực hiện việc khảo sát, lấy ý kiến các sở ngành và địa phương, đang trong giai đoạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư.
Trung tâm điện năng “sạch” trong lương lai?
Có thể thấy, Tuy Phong có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo nhất là điện gió và điện mặt trời. Bờ biển trải dài thuận lợi cho việc phát triển điện gió, ước tính mỗi năm có thể khai thác hàng ngàn MW điện. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ mới được khai thác 1 phần nhỏ chưa tương xứng với lợi thế của huyện. Để khai thác, đánh thức tiềm năng quý giá này, tỉnh và huyện cần có những chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thi công và đưa vào khai thác các dự án của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, trong đó tích cực kêu gọi đầu tư phát triển điện gió và điện năng lượng mặt trời. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện mặt trời. Nếu khai thác tốt điện gió cộng với điện năng lượng mặt trời, Tuy Phong trong tương lai sẽ là một trung tâm khai thác điện năng “sạch” lớn cho đất nước.
Ngoài những lợi thế phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, cảng biển cũng là một thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Cảng quốc tế Vĩnh Tân vừa khánh thành vào cuối tháng 4/2019 là cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT, được đầu tư hạ tầng hiện đại và công suất khai thác của cảng lên đến 8 triệu tấn/năm.
Những năm gần đây, tiềm năng kinh tế biển của Tuy Phong đã được khai thác ngày càng tốt hơn, đời sống nhân dân vùng ven biển dần ổn định và cải thiện hơn. Để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới, Tuy Phong cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ - du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Hy vọng, Tuy Phong sẽ sớm chuyển mình và sẽ trở thành trung tâm điện năng “sạch” trong tương lai không xa.
M.Vân