Chọn lọc giống lúa mới ĐL221

Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 13/12/2023

Giải pháp lai tạo, chọn lọc giống lúa mới ĐL221 (Đất Việt - Ma Lâm) của nhóm tác giả (Trần Thị Vũ Phương, Nguyễn Đức Thiên, Nguyễn Thị Uyên Nhiên) thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận vừa đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ X năm 2022 - 2023 đã góp phần tạo ra nguồn gen lúa cải tiến đáp ứng nhu cầu sản xuất nhiều nơi trong tỉnh, tăng thu nhập cho người trồng.

Hiện nay một số giống lúa do Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận lai tạo trước đây được trồng rộng rãi ở tỉnh ta, khu vực duyên hải Nam Trung bộ đã góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực, thích nghi điều kiện tự nhiên, thời gian sinh trưởng ngắn. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chế độ canh tác, thời gian tồn tại các giống lúa cũ tương đối dài đã làm cho một số giống lúa đang sản xuất thoái hóa, giảm năng suất, tăng chi phí đầu tư, hiệu quả không cao. Việc lai tạo giống lúa mới đáp ứng nhu cầu cho người trồng là cần thiết.

img_3995.jpg
Giải pháp giống lúa mới ĐL221 của nhóm tác giả Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận đoạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ X năm 2022 - 2023.

Các kỹ sư nông nghiệp Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận (trung tâm) gồm Trần Thị Vũ Phương, Nguyễn Đức Thiên, Nguyễn Thị Uyên Nhiên đã học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành tiền nhiệm của trung tâm, kế thừa nguồn vật liệu khởi đầu của đơn vị đã lai tạo chọn lọc thành công giống lúa mới ĐL221 (Đất Việt - Ma Lâm). “Theo các chuyên gia nông nghiệp, thời gian từ nghiên cứu cho đến đưa được một giống lúa mới ra thị trường mất 5 - 10 năm với rất nhiều chi phí sản xuất. Người làm công việc này phải thực sự tâm huyết, đam mê, không nản chí. Giải pháp giống lúa mới ĐL221 của họ đoạt giải nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ X năm 2022 - 2023 hoàn toàn xứng đáng, đang được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh”, ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh chia sẻ ở buổi trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải lễ tổng kết vừa qua.

dsc04575.jpg
Một giống lúa chất lượng cao ở Bình Thuận.

Báo cáo tham luận của trung tâm về giống lúa mới ĐL221 nêu rõ, giống lúa mới ĐL221 trong tương lai sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn trong việc nâng cao năng suất lúa bình quân của tỉnh, khu vực các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Khả năng ứng dụng nhân rộng giống lúa ĐL221 không chỉ ở tỉnh ta mà còn các khu vực trên. ĐL221 cũng sẽ bổ sung thêm vào cơ cấu bộ giống lúa quốc gia, thay thế dần các giống lúa đã thoái hóa, nhiễm sâu bệnh. Trên cơ sở giống lúa mới tạo ra, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế, xã hội ở Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

Giống lúa mới ĐL221 đã dung hòa giữa giống lúa có phẩm chất cao, gạo trắng hạt dài và các giống phẩm chất trung bình, thời gian sinh trưởng ngắn; có thể trồng 3 vụ trong năm, kháng rầy nâu, năng suất bình quân 7 - 7,5 tấn/ha. Hạt gạo dễ chế biến ra các loại sản phẩm khác như bánh, bún trong các nhà hàng, quán ăn ở tỉnh ta, tăng thu nhập cho người nông dân. Trung tâm mong muốn có thể hợp tác với các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư trồng trên diện rộng để có thể đưa sản phẩm gạo có giá trị dinh dưỡng cao này đến đông đảo người tiêu dùng trong thời gian tới.

Thái Khoa