Tàu thương mại 'bị Houthi tấn công', tàu chiến Mỹ ra tay
Quốc tế - Ngày đăng : 15:38, 14/12/2023
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết tàu khu trục Languedoc của nước này đã chặn đứng và phá hủy một máy bay không người lái được cho là đe dọa tàu chở hoá chất Strinda của Na Uy. Bộ này cho hay vụ tấn công đã gây ra hỏa hoạn trên tàu Strinda.
Cùng ngày, lực lượng Houthi đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công con tàu đang trên hành trình di chuyển từ Malaysia đến Ấn Độ. Không có thương vong nào được ghi nhận. Lực lượng Houthi đã phóng hai tên lửa nhằm vào con tàu này, một từ cảng Hodeidah và một từ Huban, phía Đông Taiz.
Tuần trước, các chỉ huy quân đội Houthi đã mở rộng mục tiêu của họ từ các tàu có chủ sở hữu liên quan đến Israel tới bất kỳ tàu nào đến và đi từ các cảng của Israel.
Các quan chức Houthi nói rằng hành động của họ là để thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine. Israel cho biết các cuộc tấn công vào tàu biển là một hành động khủng bố gây hậu quả cho an ninh hàng hải quốc tế.
Về phần mình, Mỹ đang gấp rút nỗ lực hình thành một lực lượng bảo vệ hàng hải lớn hơn đóng tại Bahrain để ngăn chặn tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới bị gián đoạn do các cuộc tấn công.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc, hối thúc nước này tham gia lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia để bảo vệ hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ và đặc biệt là eo biển Bab-el-Mandeb. Ngoại trưởng Blinken lập luận Trung Quốc, với niềm tin vào tự do hàng hải và sự phụ thuộc hoạt động thương mại hàng hải của nước này vào Biển Đỏ cho, nên cung cấp thủy thủ đoàn hoặc tàu cho lực lượng bảo vệ đa quốc gia. Nếu đạt được đồng thuận, đây sẽ là một trường hợp hợp tác hải quân hiếm hoi giữa Trung Quốc với Mỹ.
Theo ông Tim Lenderking, đặc phái viên của Mỹ tại Yemen, một bộ phận trong Quốc hội Mỹ muốn liệt kê Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Nhà ngoại giao cho hay quyết định gán cho Houthi là tổ chức khủng bố sẽ cản trở việc triển khai giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch hòa bình ba giai đoạn đạt được giữa Saudi Arabia và Houthi trước đó.
Ông Tim nêu rõ nếu Houthi bị coi là một tổ chức khủng bố, số tiền đến hạn gửi vào ngân hàng để trả lương cho nhân viên chính phủ, một yêu cầu chính của Houthi cho giai đoạn đầu của kế hoạch hòa bình, sẽ bị đóng băng. Tương tự như vậy, việc mở bất kỳ cảng biển hoặc sân bay nào theo kế hoạch sẽ không thể thực hiện được dẫn đến nền kinh tế Yemen sẽ bị hủy hoại.
Washington tin rằng những cảnh báo đối với Houthi nhấn mạnh việc họ đang liều lĩnh và gây nguy hiểm cho cơ hội đàm phán nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 9 năm ở Yemen sẽ thuyết phục các tay súng ngừng các cuộc tấn công vào tàu hàng.
Hiện tại thông tin chi tiết về kế hoạch hòa bình đã được giao cho đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen, Hans Grundberg. Tuy nhiên, thông tin cho đến nay vẫn được giữ bí mật. Trong trường hợp tất cả các bên đồng ý với các nguyên tắc chung của thỏa thuận, bao gồm cả việc rút dần các lực lượng nước ngoài, thì một buổi lễ ký kết chính thức sẽ được tổ chức với sự tham dự của các bên và có sự chứng kiến của các cường quốc nước ngoài.
Trong khi đó, tại Yemen, suốt 2 năm nay, lực lượng Houthi và Hội đồng lãnh đạo lâm thời, một liên minh gồm các đảng phản đối nhóm này, đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn không chính thức.