Nhà nước phải đóng vai trò rõ hơn trong đề án phát triển thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 15:43, 14/12/2023
Báo cáo dự thảo Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bên cạnh tập trung đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ thanh long và quan điểm phát triển cây trồng lợi thế của Bình Thuận thì dự thảo cũng hướng đến một số mục tiêu cụ thể. Đó là đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha với năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Đồng thời tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%, còn tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70 - 75% so với tổng diện tích. Trong khi tỷ lệ diện tích thanh long được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 70% và giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch tăng bình quân khoảng 5%/năm...
Tham gia phát biểu và trao đổi tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng và tiến tới ban hành Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 là rất cần thiết. Tuy nhiên với thực trạng hiện nay, địa phương xem xét có cơ chế, chính sách cũng như đề ra các giải pháp khả thi nhằm hỗ trợ người trồng, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Như về đầu tư hạ tầng (điện - nước - giao thông), cung cấp giống tốt, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, bảo quản và chế biến đa dạng sản phẩm từ trái thanh long. Có biện pháp phòng ngừa và xử lý triệt để các loại bệnh trên cây thanh long, tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra với giá cả hợp lý…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định thanh long là cây trồng giúp nông dân Bình Thuận xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả và một bộ phận còn vươn lên giàu có. Mặc dù thời gian qua có thời điểm giá cả thu mua thanh long lên xuống, nhưng đây vẫn là cây trồng chủ lực, lợi thế và là sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Vì thế cần cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả giá trị sản xuất thanh long, trong đó chú ý vùng ưu tiên trồng, thay giống mới, gắn trồng với chế biến, sản xuất gắn với thị trường.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, tới đây Nhà nước phải đóng vai trò rõ hơn trong đề án phát triển bền vững cây thanh long, nhất là thể hiện trên lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ và nghiên cứu chuyển giao thị trường, định hướng tiêu chuẩn sạch - an toàn, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các loại giống mới… Đồng thời phát huy vai trò của các Hợp tác xã, hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến thanh long để cùng chung tay thực hiện đề án đem lại hiệu quả.