Tạo điểm nhấn cho du lịch xanh
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:03, 19/12/2023
Huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh có đủ điều kiện để phát triển du lịch xanh, đối với tỉnh Bình Thuận cũng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh, bởi lẽ Bình Thuận còn có lợi thế về rừng, hồ, núi, thác… rất thích hợp để xây dựng những tour du lịch xanh vừa gần gũi với thiên nhiên vừa mang tính độc đáo, hấp dẫn cho du khách đến tham quan và trải nghiệm. Lợi thế này nằm ở các huyện như: Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh và huyện Hàm Thuận Bắc. Nổi bật, như hồ Hàm Thuận - Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc), Vườn hoa La Ngâu, Khu du lịch La Ngâu Rock Stream, Khu du lịch sinh thái Thác Bà (huyện Tánh Linh)... Để tạo tiền đề cho phát triển du lịch xanh trên địa bàn tỉnh, tháng 5/2023 vừa qua Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với các công ty lữ hành và đơn vị truyền thông thực hiện chương trình khảo sát sản phẩm du lịch mới, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh gắn với tiềm năng “rừng - thác - hồ” tại huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh. Đây là cơ hội để mở ra những điểm du lịch xanh trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận xác định rất rõ tầm quan trọng và vai trò đóng góp của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển du lịch xanh, bền vững. Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” sẽ mở ra cho tỉnh Bình Thuận nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đột phá ngành du lịch xanh nói riêng. Bởi lẽ, phát triển du lịch xanh có trách nhiệm với môi trường thông qua hoạt động du lịch góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa bản địa, đồng thời tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân là hướng đi bền vững, tạo giá trị lâu bền cho chuỗi sản phẩm du lịch. Để phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch, tỉnh còn chú trọng đảm bảo môi trường du lịch phát triển theo hướng xanh, hài hòa với đời sống cộng đồng, tạo ấn tượng đẹp cho du khách sau mỗi chuyến nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Minh chứng cho điều này, từ năm 1995 đến nay, tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch. Qua mỗi giai đoạn đã dần nâng cao vị trí của du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, từ xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, đến là ngành kinh tế mũi nhọn và hiện nay là 1 trong 3 trụ cột bên cạnh nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp năng lượng sạch. Điều đó cho thấy du lịch có vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là thông điệp "Bình Thuận - Hội tụ xanh" của Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 thể hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững và lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm. Nhấn mạnh phát triển du lịch theo định hướng xanh gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ điểm đến luôn xanh - sạch - đẹp, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đảm bảo ít tiêu hao năng lượng, thải ra môi trường ít nhất. Quá trình phục vụ du khách, các cơ sở ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, hạn chế vật liệu nhựa. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương còn tập trung chỉnh trang đô thị, trồng cây xanh, hoa, tạo cảnh quan khang trang, xanh - sạch - đẹp, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết, dọc tuyến đường ven biển, kêu gọi cộng đồng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển. Chính sự chung tay ý thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch, dịch vụ góp phần làm nên kết quả phát triển của du lịch Bình Thuận.
Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội là một xu hướng, đồng thời là yêu cầu cũng như định hướng chiến lược quan trọng của du lịch, chính vì thế triển vọng phát triển của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là phát triển du lịch xanh với kỳ vọng phục vụ tốt nhất nhu cầu thụ hưởng giá trị tinh thần của người dân, du khách trong và ngoài nước.