Tất cả vì nạn nhân da cam
Đời sống - Ngày đăng : 05:42, 20/12/2023
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Đã gần nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh nhưng nhiều căn bệnh hiểm nghèo “khởi nguồn” từ cuộc chiến ấy đã lấy đi sức khỏe của nhiều người lính già và đau đớn hơn hết khi hàng ngày họ phải nhìn thấy con, cháu mình ngơ ngác, lê lết hay sống đời sống thực vật… đời sống kinh tế gặp muôn vàn khó khăn.
Theo ông Trần Tiến Thành – Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐCD/dioxin tỉnh, hiện toàn tỉnh có 6.259 người nhiễm và phơi nhiễm CĐDC. Trong đó đối tượng tham gia kháng chiến 2.094 người (trực tiếp 916 người; gián tiếp là con, cháu 1.178 người). Gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên có 288 hộ, đặc biệt có 21 hộ có 4 – 5 người bị nhiễm, phơi nhiễm. Để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vơi bớt khó khăn, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã tích cực vận động các nguồn lực ủng hộ, chia sẻ trực tiếp cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân cả vật chất lẫn tinh thần. Trong 5 năm qua (2018 – 2023), tuy dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến công tác vận động nguồn lực. Song với quyết tâm cao các cấp Hội đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nguồn lực gắn Phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam” và cuộc vận động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” với các phong trào của địa phương, gắn với kỷ niệm Thảm họa da cam và các ngày lễ, tết… Kết quả, toàn Hội đã vận động nguồn lực Quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đạt hơn 27,5 tỷ/18 tỷ đồng so với chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra, đạt 152,97% (vượt 52,97%). Trong đó, cơ quan Tỉnh hội vận động trên 3,9 tỷ đồng, Hội cấp huyện, xã vận động trên 23,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã cùng các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn, tư vấn giúp nạn nhân lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ, chính sách cho 15 nạn nhân là đối tượng có công với cách mạng, 1.056 người được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội quan tâm chú trọng triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội về tổ chức và hoạt động của Hội, về “Thảm họa da cam” và hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam, về đời sống sinh hoạt của các nạn nhân. Qua đó, mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân mà đã góp phần cùng cả nước đấu tranh đòi Mỹ phải bồi thường, trả lại công lý cho các nạn nhân bị nhiễm CĐDC.
Những thành tích đó đã khẳng định sự nỗ lực đóng góp của các cấp Hội đối với các hoạt động chung của tỉnh.
Nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam
Bước sang một chặng đường phát triển mới, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm Vì nạn nhân chất độc da cam” với tinh thần “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân chất độc da cam”. Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do UBND tỉnh giao. Trong đó, tập trung vận động nguồn lực quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và góp phần cùng Trung ương Hội với các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo dư luận trong xã hội đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về thảm họa da cam tại Việt Nam. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác Hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nạn nhân chất độc da cam.
Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2023 – 2028 sẽ thực hiện xã hội hóa công tác vận động nguồn lực Quỹ chăm sóc nạn nhân đạt từ 20 - 25 tỷ đồng (tiền mặt, vật chất quy tiền); 70 - 75% Hội cơ sở hoạt động khá trở lên, không có Hội yếu kém; kết nạp 300 hội viên, phấn đấu đưa 95% nạn nhân có đủ sức khỏe vào Hội; 100% cán bộ, hội viên kiên định vững vàng về chính trị, tư tưởng. Hàng năm 100% cán bộ, 90% hội viên trở lên tham gia học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước và nhiệm vụ của Hội…
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà chính là hoạt động thiết thực, ý nghĩa để đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước. Đó cũng chính là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam và cả xã hội cần chung tay, chung tấm lòng để sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Từ nguồn vận động, trong 5 năm qua các cấp Hội đã thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức đa dạng, mang tính bền vững như: hỗ trợ cho 253 hộ nạn nhân vay vốn sản xuất, chăn nuôi với số tiền gần 2,7 tỷ đồng; xây 34 nhà “mái ấm da cam” với số tiền trên 2,5 tỷ đồng; chi trợ cấp hàng tháng cho 212 hộ, số tiền 360 triệu đồng; trợ cấp học bổng 521 suất trị giá 148,5 triệu đồng; cấp 180 xe lăn, xe lắc trị giá 530 triệu đồng; thăm hỏi, tặng 51.360 suất quà dịp lễ, tết, Ngày vì nạn nhân CĐDC (10/8) gần 20 tỷ đồng; khám chữa bệnh 7.522 lượt người với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; phẫu thuật tim, mắt cho 226 người, số tiền hơn 1,2 tỷ đồng...