Hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics: Đòn bẩy để Bình Thuận phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 16:15, 19/09/2019

BTO- Nằm ở cực Nam Trung bộ, Bình Thuận có vị trí khá thuận lợi trong kết nối liên vùng cho hoạt động giao thông - vận tải và liên vùng trong nước cả về đường biển, đường bộ và đường sắt. Với Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (Tuy Phong) cũng được xem là cửa ngõ quan trọng tiếp chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu đi nước ngoài…
                
      Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trên địa bàn huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

Thế nhưng do hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics chưa được đầu tư đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Bình Thuận. Từ đó chưa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đến Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, đồng thời cũng chưa khai thác hết lợi thế vị trí địa lý để phát huy hiệu quả hạ tầng cảng biển nước sâu nơi đây.

Xuất phát từ điều kiện của địa phương, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics thông qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân là hết sức cần thiết. Đặc biệt đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Thuận (dài hơn 160 km) là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại và là đòn bẩy để địa phương phát triển…

Trong khi đó, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân với phạm vi diện tích hơn 140 ha đã được đầu tư hạ tầng hiện đại, đồng bộ với hệ thống các bãi chứa hàng rời, bãi hàng tổng hợp, bãi hàng container, kho hàng… Tháng 4/2019 vừa qua, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân khánh thành Bến cảng 50.000 DWT và được kỳ vọng nâng cao năng lực giao thông vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tạo động lực thu hút đầu tư cho địa phương.

Nhằm phát triển hệ thống dịch vụ logistics kết nối thông qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân,thời gian qua UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Trung tâm Logistics Bình Thuận của Công ty TNHH VITACO. Qua đó hướng đến đầu tư xây dựng khu dịch vụ logistics, dịch vụ phụ trợ phục vụ kết nối và lưu thông hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt lẫn đường biển

Tình hình thực tế cho thấy,đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển trung tâm dịch vụ logistics, khai thác phát huy hạ tầng Cảng Quốc tế Vĩnh Tân kết nối kinh tế vùng Tây nguyên, Nam Trung bộ tạo hành lang kinh tế Đông - Tâylà định hướng phù hợp. Nhất là cần nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 28B (kết nối quốc lộ 1 với quốc lộ 20) đi qua địa bàn Bình Thuận và Lâm Đồng chiều dài khoảng 69 km. Đây còn là tuyến đường ngắn nhất kết nối vận chuyển hàng hóa thông qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân với khu vực Tây nguyên… Cùng với đó nâng cấp tuyến Quốc lộ 55 có chiều dài 233 km, kết nối 3 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng đâylà trục ngang nối 3 tỉnh với Quốc lộ 1, đường cao tốc đến Cảng Quốc tế Vĩnh Tân.

Với mong muốn phát huy lợi thế,khai thác hiệu quảtiềm năng vàtạo cơ hội mới, vừa qua Bình Thuận đã đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Cụ thể gồm có dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 28B Bình Thuận - Lâm Đồng, kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 20 tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên. Tiếp nữa là dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 55 Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu (đoạn km 52+640 đến km 97+692) nhằm kết nối giao thông giữa Bình Thuận với khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra cũng đưa khu vực này vào mạng lưới Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics cả nước, góp phần tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics cũng như phát huy năng lực của Cảng Quốc tế Vĩnh Tân…

QUỐC TÍN