Chú trọng kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Pháp luật - Ngày đăng : 16:00, 20/12/2023

BTO-Sáng 20/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp Bình Thuận tổ chức “Hội thảo về kết quả rà soát và giải pháp xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát phục vụ triển khai Đề án 06” tại Bình Thuận.
img_8007.jpg
Ông  Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo.

Dự hội thảo có ông Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp - Đại diện cơ quan Thường trực Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo, công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và các sở, ngành có liên quan.

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt Đề án 06,  xác định đối tượng phục vụ là người dân, doanh nghiệp. Theo đó các tổ chức, cá nhân được hưởng những tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại thông qua định danh điện tử. 

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai, thực hiện đề án. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Bộ Trưởng Bộ Tư pháp là tổ trưởng, xác định việc rà soát, hoàn thiện về thể chế pháp luật cần phải đi trước, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai đề án chuyển đổi số quốc gia. 

Đến nay, qua kiểm tra, rà soát đối với Trung ương có 20 cơ quan nhà nước có văn bản thuộc lĩnh vực quản lý cần phải rà soát, xử lý; với địa phương có 27 tỉnh  có văn bản do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành cần phải xử lý. Cụ thể, tổng các văn bản QPPL cần xử lý là 329 văn bản, trong đó cấp trung ương 234 văn bản và địa phương 95 văn bản.

img_7955.jpg

Quá trình kiểm tra, rà soát nhận thấy còn những hạn chế, bất cập. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung nêu một số vấn đề, trong đó nổi bật cần phải có tính thống nhất nội dung văn bản từ Trung ương xuống địa phương hoặc từ tỉnh xuống xã, phường. Những văn bản nào cấp trên sửa đổi rồi thì phải lưu ý hủy bỏ bổ sung mới, triển khai đúng quy định để các văn bản QPPL đi vào cuộc sống tốt hơn, nếu không sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường. Những văn bản còn chồng chéo, không còn phù hợp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý... 

Ngoài ra, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc rà soát, xử lý văn bản vì hiện nay còn nhiều cơ quan đùn đẩy xử lý, xem đây là trách nhiệm của ngành Tư pháp.  Các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần phải đồng bộ, hoàn thiện để thuận tiện việc xử lý văn bản, vì khi xử lý văn bản có sự kết nối thống nhất phù hợp mới triển khai nhanh... Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ...

Ông  Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của địa phương, nhất là việc bổ sung thêm biên chế, xây dựng biên soạn, cấp phát các cuốn sổ tay, cẩm nang hỗ trợ về kỹ năng, nghiệp vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật.  

Hội thảo nhằm mục đích nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL do chính quyền địa phương ban hành. Đây cũng là diễn đàn để cơ quan, đơn vị, các công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trao đổi, nhận diện sâu sắc hơn về thực trạng, hạn chế, khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật của địa phương. Qua đó, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xác định các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả văn bản QPPL do chính quyền địa phương ban hành. 

 

Ninh Chinh