Bộ Nội vụ tổng kết công tác năm 2023
Chính trị - Ngày đăng : 21:35, 20/12/2023
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại hội nghị, trong năm 2023, ngành Nội vụ cơ bản hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền giao, phát huy vai trò của Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật ngành Nội vụ, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chính trị chung của đất nước và xây dựng nền hành chính Nhà nước phát triển theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng 1 dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; chủ trì xây dựng 4 văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành 14 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 3 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 Quyết định và 3 Công điện; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 22 Thông tư, 7 văn bản hợp nhất. Đồng thời, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tổ chức thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ có nhiều đổi mới, hoàn thiện theo hướng thống nhất, chặt chẽ, bảo đảm sự liên thông giữa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đổi mới công tác quản lý công vụ, công chức, chính sách tiền lương, cải cách hành chính, thi đua khen thưởng và thúc đẩy chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã tham luận, trao đổi một số nội dung liên quan đến ngành Nội vụ như: Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh xây dựng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức theo vị trí việc làm; giải pháp thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024; các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023 có nhiều thách thức, tuy nhiên ngành Nội vụ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đề cập nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị công tác tham mưu ban hành các thông tư, nghị định liên quan lĩnh vực Nội vụ phải đảm bảo số lượng cũng như chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần phối hợp, hướng dẫn các địa phương việc xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm linh hoạt và phù hợp nhằm kịp thời áp dụng chính sách tiền lương mới vào tháng 7/2024. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và áp lực về thời gian, do đó cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; phấn đấu hoàn thành trước quý IV/2024 nhằm ổn định để tổ chức đại hội Đảng các cấp ở địa phương năm 2025.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tuyển dụng cán bộ, công chức cần thực hiện theo phương pháp mới, kết hợp chính sách đãi ngộ nhân tài; tiếp tục thực hiện công tác tinh giản bộ máy nhưng vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Riêng đối với công tác tôn giáo tín ngưỡng, Phó Thủ tướng cho rằng đây là việc hết sức quan trọng, cần phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; làm tốt công tác dự báo tình hình; có giải pháp định hướng để hoạt động tôn giáo gắn với dân tộc, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, tốt đời, đẹp đạo…