Quê xưa biển Rạng, đất Bàu…
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:31, 22/12/2023
Năm 1983, từ khi xã Hàm Tiến trực thuộc thị xã Phan Thiết, tôi thường xuyên theo anh em Đội chiếu bóng số 16 và Đội thông tin lưu động thị xã về phục vụ 3 thôn vùng Bàu. Ngày đầu tiên, chúng tôi vừa ra tới Ủy ban xã là viết giấy gửi cho bà con trong đó đang đi chợ Rạng mang về báo cho Hợp tác xã (lúc đó đã xây dựng HTX Nông nghiệp) xin xe bò ra chở âm thanh, nhạc cụ, máy nổ, máy chiếu… Tất cả chất đầy trên một chuyến xe bò, còn người thì phải lội bộ, đây cũng là thử thách đầu tiên cho các cô “ca sĩ” vốn dĩ lớn lên trong phố phường thị xã. Đêm đầu tiên phục vụ ở khu vực Bàu Me, đêm thứ hai qua Bàu Sen, đêm thứ ba vô tuốt trong Bàu Ron, Bàu Tàng. Đó là những đêm trời không mưa, còn nếu chiều mà trời un mây mưa xuống thì đành chịu, có khi phải lòng vòng cả mười ngày, nửa tháng… Mọi người rất mong trời mưa xuống để cho những hạt mầm trong vùng rẫy thấm đất vươn lên, mà cũng mong cho trời tạnh ráo để buổi xem phim, xem văn nghệ cho trọn vẹn… Lúc trở ra, quyết định đi luôn đêm cho trời mát, cả người và bò, khi vừa leo lên cái dốc động thở hổn hển chợt thấy được ngọn đèn ngoài biển thì mọi người cùng ồ lên, cảm giác như ở trong thị xã những đêm cúp điện rồi tự nhiên điện “phựt” mọi người la to “có điện, có điện”…
Tôi biết có niềm tự hào và nét đẹp của các cô thôn nữ Bàu Me và miệt vườn xứ Rạng, khi trong tập Lịch sử Đảng bộ xã Hàm Tiến (1975-2001) có đoạn viết: Vấn đề giao thông hồi ấy, toàn xã duy nhất có một tuyến đường tỉnh lộ 9 từ Phan Thiết đi Mũi Né chạy ngang qua vùng Rạng, phải vận chuyển hành khách, hàng hóa lưu thông trên trục đường này. Còn lại tất cả việc vận chuyển khác đều bằng đôi chân băng rừng, vượt đồi dốc, động cát. Quang gánh là phương tiện vận chuyển chủ yếu, cả đàn ông và trẻ em cũng gồng gánh. Chiếc đòn gánh bằng cây sò đo, được bào chuốt công phu, đôi gióng được thắt thanh mảnh bằng dây mây, cặp thúng đan bằng nan tre bền đẹp. Bộ nông cụ đặc biệt gần gũi, gắn bó, thân thương đó không những là dụng cụ lao động thiết yếu đơn thuần mà còn là hình ảnh thanh lịch, độc đáo tô thắm thêm vóc dáng, nét đẹp duyên quê cho thôn nữ Bàu Me và miệt vườn xứ Rạng…
Vào những năm 1990, đường về Khu Lê là những đường mòn xưa mở rộng thêm một chút và nâng lên sỏi cấp phối. Chúng tôi, những người làm công tác văn hóa cơ sở của huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong và thị xã Phan Thiết ngồi lại với nhau và quyết định mỗi năm gặp nhau một lần trong chương trình “Tiếng hát khu Lê” cho các xã mà trước đây gắn bó với khu Lê. Nhớ có lần họp mặt tại Nhà Tiền hiền Thiện Khánh vào ngày Giổ tổ Hùng Vương, các xã mang phẩm vật về trước dâng lên cúng Tổ, sau bày ra “Liên hoan văn hóa ẩm thực khu Lê”. Các xã Hàm Đức, Hồng Sơn mang về những sản phẩm miệt đồng: bánh trái, xôi, bún, bánh tráng; miền biển Hòa Phú, Hòa Thắng, Mũi Né, Phú Hài thì cá, tôm, ghẹ, ốc; thêm dừa và bánh tráng cốt dừa Hàm Tiến; tất nhiên là không thể thiếu cái món đặc sắc “con dông khu Lê” từ trong Hồng Phong, Thiện Nghiệp ra. Trưa hôm đó thật là một bữa liên hoan văn hóa ẩm thực thịnh soạn. Buổi tối lại bày ra thi “Người đẹp khu Lê” và một chương trình văn nghệ thật đặc sắc. Thanh niên tụ hội về rất đông, kể cả trong Hàm Đức, Hồng Sơn, Hồng Phong, Thiện Nghiệp đều ra, và Hòa Phú, Hòa Thắng đều vào vì đường lúc đó đi lại tương đối dễ hơn. Đó là một kỷ niệm đẹp trong đời làm văn hóa trên vùng đất này của chúng tôi. Qua mấy năm giáp vòng đi khắp các xã thì các phương tiện video, karaoke tràn lan… nên hoạt động văn hóa cơ sở này tự giải tán.
Đó cũng là thời điểm qua nhật thực toàn phần 24/10/1995 hoạt động du lịch ở Hàm Tiến, Mũi Né bắt đầu phát triển. Đến năm 2001, xã Hàm Tiến lên phường, vẫn giữ lại tên phường Hàm Tiến vì đã trở thành thương hiệu du lịch với diện tích tự nhiên 1.039,15 ha; cùng vùng đất các Bàu tách ra thành lập xã mới nhưng mang tên cũ của ngày xưa là xã Thiện Nghiệp với diện tích tự nhiên còn tới 7.614,3 ha. Rồi cú huých “Chương trình thực hiện Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới” đã đến, từ năm 2014 Thiện Nghiệp đã đạt chuẩn xã Nông thôn mới và giữ vững danh hiệu nâng cao bền vững đến nay. Riêng trên lĩnh vực giao thông, Thiện Nghiệp đã làm 9,46 km/3 tuyến đường tráng nhựa “Nông thôn mới”. Đó mới chỉ là đường làng, còn đường ngõ xóm, vô rẫy thì trên 15 km đã được cứng hóa, xe gắn máy vô tới nơi, thay thế cho “gánh gánh lội bộ” ngày xưa.
Đường dừa bãi Rạng xưa bây giờ có tên Hàm Tiến được mệnh danh “thủ đô resort” là trung tâm của Khu du lịch quốc gia Mũi Né với quần thể “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” và đường vào Thiện Nghiệp đã có đại lộ 706 B mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nối Phú Hài ra Mũi Né chạy ngang. Rồi đây, Thiện Nghiệp có cả sân bay Phan Thiết nằm trên địa bàn. Cũng từ lâu đã có con đường xe bon bon từ quốc lộ 1 chân núi Tà Dôn vô Triền thuộc xã Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc), tại đây hình thành một “Ngã 3 biên giới” đi thẳng vào là Bàu Tàng, xuống Bàu Sen, qua Bàu Me, ra Mũi Né (Phan Thiết), còn quẹo trái thì vào Hồng Phong ra tới Hòa Thắng (Bắc Bình). Con đường này, tôi làm sao quên được những câu chuyện kể về một vùng quê ngoại. Thuở trước trong đoàn người di dân vào khai hoang lập ấp có ông cố ngoại tôi, ông không ở làng biển mà vượt qua những động cát, những cái bàu nước, vòng qua chân một ngọn núi, một vùng đất tương đối bằng phẳng hiện ra thích hợp cho những người vỡ ruộng cấy cày như ở ngoài quê cũ. Đó là một vùng đất cũ của người Chăm có tên gọi Sa Ra, nằm dưới chân một ngọn núi có tên gọi núi Tà Dôn và bên một động cát có tên động Bà Hòe. Sau này là làng Tùy Hòa, Vĩnh Hòa thuộc tổng Lại An, phủ Hàm Thuận; bây giờ là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Vậy là từ thuở lên mười, mẹ tôi đã theo bà ngoại cùng với người làng cả nam lẫn nữ từ nửa đêm mỗi người một gánh gạo hay khoai nọc, đậu mè, dưa thơm, những sản vật của vùng ruộng rẫy, leo lên động cát qua vùng Rẫy Thơm tới Giếng Triền, rồi một con đường mòn vào rừng hiện ra. Tại đây người ta xây một cái “Miếu Ông Hổ” để thờ Ông vì rất nhiều Ông còn lẩn quất trong rừng (Đến thời kháng chiến chống Pháp vùng đất này là khu Lê Hồng Phong mà thỉnh thoảng Ông còn nhảy ra vồ người huống chi là thời trước đó!). Đoàn người dừng lại thắp nhang, rồi gánh lên vai lấp xấp chạy qua rừng, chân không bất kể gai gốc, đã thấy những ngôi nhà tranh hiện ra ở khu vực Bàu Sen, rồi nhắm Bàu Me đi tới, băng qua chập chùng động cát mới tới chợ Rạng, rồi từ chợ Rạng ra chợ Mũi Né tiếng là đường cái xứ nhưng cát là cát, băng qua cái dốc Bà La, xuống dốc Bà Banh thì trời sáng tỏ. Như vậy đoàn người đã gánh gánh đi từ núi Tà Dôn ra biển Mũi Né, đi chân không qua đường rừng, động cát, đi qua trọn xã Thiện Nghiệp ngày nay từ tây sang đông, ước chừng trên 15 cây số. Tan buổi chợ, đã trưa, lại mỗi người một gánh cá lên vai, đi ngược lại cho kịp buổi chợ chiều của miệt Sa Ra, Tùy Hòa.
Để rồi, không biết từ thuở nào vùng đất này có câu phương ngôn vui nổi tiếng. Đó là câu: “Cá hôi Mũi Né – Trâu bán Sa Ra”. Trời ơi! Thật tuyệt vời các tác giả dân gian. Cá hôi thì mũi phải né chớ sao, còn trâu nó báng thì phải xa ra là đúng rồi. Tuyệt vời hơn là ai muốn ăn cá mắm thì cứ ra Mũi Né (hồi đó chữ “hôi” thật nhẹ nhàng không phải như “hôi của” ngày nay, ai muốn có cá ăn thì cứ ra Mũi Né đeo cái đai vô xúm kéo lưới rùng, hoặc xúm vô gánh cá, gỡ cá, khiêng cá thì được chia một phần ngay). Còn muốn sắm một cặp trâu đi rừng cho tốt, xe trâu chở nông sản ra buôn bán tận Lương Sơn, Chợ Lầu hoặc vào xuống tới Phú Long, Phú Hài… thì cứ tới Sa Ra là có người bán ngay, tha hồ mà chọn (trong kháng chiến chống Pháp, ngày 14/4/1953 bộ đội ta tấn công tiêu diệt chi khu Mũi Né phá hủy toàn bộ hệ thống đồn bót gồm 2 đồn, 11 lô cốt, nhân dân khu Lê Hồng Phong đã huy động 10 xe trâu chở chiến lợi phẩm về căn cứ, trong đó có khẩu pháo 94 ly). Rồi có người tự thán: “Hết hơi Mũi Né – Rục cẳng Sa Ra” cho quên bớt nỗi khổ đường xa…
Tôi mơ thấy trên những con đường gánh gánh lội bộ ngày xưa, có những chiếc xe trâu xe bò bánh gỗ bánh hơi hoặc có thêm xe ngựa chậm rãi đi dưới vườn dừa, vườn bạch đàn rợp bóng mát, trên xe là những người khách nước ngoài, cũng như khách trong nước nói cười vui vẻ. Còn ai không thích đi xe thì cứ lội bộ. Họ lội qua suối Tiên với đôi chân mát rượi, có nguồn nước từ lòng cát trong vắt chảy ra. Họ nghỉ lại trong những ngôi nhà “stayhome” thân thiện gỗ dừa soi bóng bên những bàu nước trong xanh. Qua những lần tung tăng cùng biển Rạng, thở dốc cùng đồi cát Mũi Né, họ lại thư thả trên con đường làng Thiện Nghiệp như vậy đó!...