Đề án 06 là điểm sáng của công tác chuyển đổi số

Xã hội - Ngày đăng : 15:04, 22/12/2023

BTO- Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Phan Văn Đăng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

z4998305610734_4890e0f0ce1483c9c626e2b459cde0ad.jpg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, nhận thức, hành động của các cấp, ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực, các cấp, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu.

Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Có 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình mà người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan Nhà nước, cắt giảm giấy tờ, chi phí đi lại. Việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu hàng năm đã tiết kiệm cho nhà nước trên 2.500 tỷ đồng.

Các bộ, ngành Trung ương đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 528/1.086 thủ tục hành chính, đạt 49%; các địa phương đạt mục tiêu giải quyết 90% thủ tục hành chính đúng hoặc sớm hạn, cung cấp 58,2% dịch vụ công trực tuyến (chỉ tiêu 40%). Đến nay, 100% công dân đã được cấp số định danh cá nhân. Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc; thu nhận trên 70,2 triệu hồ sơ định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao… Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

z4998305636466_66702e12b0bf3ac54aa90e85cc2ed685.jpg
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng và các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Thuận

Tại Bình Thuận, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo lộ trình đề ra.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Đề án 06 là một trong những điểm sáng của công tác chuyển đổi số trong 2 năm qua. Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các cấp các ngành, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó chỉ rõ việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đặc biệt về chi trả an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu, các Bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho Đề án 06 với phương châm một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản, áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến; đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID; Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai Đề án 06 để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện hoàn thành 17/44 nhiệm vụ Đề án 06, số nhiệm vụ thực hiện thường xuyên là 21, số nhiệm vụ đang triển khai là 4; triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; thu thập, rà soát, đồng bộ 1.486.033 nhân khẩu thường trú vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử cho tất cả công dân đủ điều kiện, góp phần phục vụ người dân trong đi lại, giao dịch cũng như thực hiện cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước.

Nguyễn Luân