Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Tạo sinh kế cho ngư dân vươn lên thoát nghèo
Kinh tế - Ngày đăng : 08:32, 23/12/2023
Từ xã nghèo của huyện
Hội Cộng đồng Ngư dân xã Tân Thuận vừa làm hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động. Đến dự hội nghị hôm ấy có gần 180 thành viên, là những ngư dân trong vùng tham gia hội cộng đồng này 1 cách tự nguyện. Ông Đậu Trọng Trung – Chủ tịch Hội Cộng đồng ngư dân Tân Thuận hào hứng chia sẻ: “Nơi đây là xã bãi ngang, nên toàn xã chủ yếu là ghe, thuyền đánh cá nhỏ. Khoảng năm 2018 về trước, xã này được xem là xã nghèo của huyện, đời sống bà con rất khó khăn, nguyên nhân là do nguồn lợi thủy hải sản cạn kiệt và người dân đánh bắt vô tội vạ. Lúc đó, đa số ngư dân bỏ biển lên bờ. Đến năm 2018, được Chi cục Thủy sản, Hội Nghề cá tỉnh, các cấp chính quyền địa phương quan tâm tuyên truyền vận động và sau 12 lần họp dân lấy ý kiến Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận chính thức ra mắt. Từ 40 thành viên ban đầu, đến nay đã có 178 hộ gia đình làm đơn xin gia nhập Hội cộng đồng Ngư dân. Kết quả đó đủ chứng minh hội hoạt động hiệu quả, nguồn lợi thủy sản nơi đây hồi sinh đáng kinh ngạc. Những người bỏ biển trước đây đều quay về làm ăn khấm khá”. Ông Trung còn chứng minh điều đó khi chỉ tôi xem những căn nhà mái Thái khang trang trong thôn mọc lên ngày càng nhiều, xe ô tô trong vùng không còn là chuyện gì đó xa vời. Đặc biệt, nhiều gia đình có điều kiện cho con cái được học hành bài bản, nâng cao dân trí.
Từng là Chủ tịch Hội nông dân xã, nên ông biết, bên cạnh nghề biển, thì đời sống của nhân dân xã Tân Thuận chủ yếu còn nhờ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực là thanh long với diện tích hơn 1.700 ha. Dù năm 2022, giá thanh long từng làm bà con nơi đây điêu đứng, nhưng không thể phủ nhận “rồng xanh” từng là “cây làm giàu” giúp nhiều nông dân ở Tân Thuận đổi đời. Những ngày cuối năm, thông tin giá thanh long đang ở mức cao, khiến các hộ kiên trì với cây trồng này cảm thấy phấn khởi hơn.
Như trường hợp bà Kiều Thị Thuận (thôn Hiệp Nhơn) gắn bó với cây thanh long đã 20 năm nay. Nhờ cây thanh long, giúp kinh tế gia đình bà khấm khá, cho con ăn học đến nơi đến chốn. Mặc dù 2 năm nay giá cả bấp bênh, càng đầu tư càng lỗ, nhưng gia đình bà vẫn quyết giữ 500 trụ thanh long bằng cách giảm phân bón chỉ chăm sóc vườn, làm cỏ, tưới nước. “Tôi chỉ phá bỏ bớt những trụ già cỗi, chuyển sang trồng rau gia vị hành, ngò, húng, quế bỏ cho các quán ăn. Rau bán rất chạy, bỏ mối cho tiểu thương trong xã và các xã lân cận và chợ La Gi giúp gia đình thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống”, bà Thuận cho biết.
Theo UBND xã Tân Thuận, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đã có sự tăng so với năm 2022, chứng minh đời sống kinh tế của người dân đã phần nào cải thiện. Tuy toàn xã còn 54 hộ nghèo/3.990 hộ/16.117 khẩu theo tỷ lệ nghèo đa chiều, nhưng với tình hình thu nhập khả quan như năm nay, khi thanh long được giá, vùng biển hồi sinh mạnh mẽ, cũng đồng nghĩa các dịch vụ kéo theo phát triển, tạo công việc làm và người nghèo cải thiện cuộc sống, thì sang những năm tiếp theo, số hộ nghèo nơi đây chắc chắn giảm sâu.
Đa dạng hóa sinh kế
Cùng Tân Thuận, 2 xã Thuận Quý, Tân Thành cũng đang có hướng phát triển đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Song song với đẩy mạnh phát triển thanh long theo tiêu chuẩn an toàn, nhiều nông dân vùng này chuyển đổi một số cách làm kinh tế lấy ngắn nuôi dài. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nguồn vốn vay phù hợp, nhiều hộ gia đình chuyển đổi các mô hình phù hợp hơn như trồng nấm mối đen, trồng rau sạch, nuôi gà thả vườn, trồng dưa kết hợp nuôi heo rừng lai, du lịch ven biển… cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, có thể thấy, du lịch ven biển khu vực Thuận Quý – Kê Gà đã có sự khởi sắc. Một số resort, homestay ven biển đi vào hoạt động cùng các trang trại nông nghiệp công nghệ cao đón khách trên địa bàn làm nên sự nhộn nhịp, xôm tụ và giải quyết được một lượng lớn nguồn lao động tại chỗ ở nông thôn. Nhờ đa dạng hóa sinh kế ở các xã vừa làm nông vừa làm biển này, nên mùa nào biển đói, ngư dân chuyển sang thanh long, làm du lịch, mùa nào thanh long mất giá, thì lại kéo thúng ra biển. Nhờ thế, toàn xã Thuận Quý chỉ còn 9 hộ nghèo trong tổng số 953 hộ/3.849 khẩu.
Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, hiện nay địa phương đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng- dịch vụ. Bên cạnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 45.911 ha chủ yếu là tập trung sản xuất và xuất khẩu thanh long, diện tích đất lâm nghiệp 52.453 ha. Riêng lĩnh vực thủy sản, chính quyền địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên liên quan để giúp dự án trong việc quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng ngư dân thuộc 3 xã, đã góp phần khôi phục lại nguồn lợi sò lông tại xã Thuận Quý, các bãi rạn, bãi san hô ngầm được bảo vệ, từ đó giúp nguồn lợi thủy sản sinh sôi, phát triển. Nguồn lợi thuỷ sản từ biển đã mang lại thu nhập, tạo sinh kế cho hàng ngàn hộ gia đình tại địa phương. Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản đúng hướng, đời sống, thu nhập của người dân 3 xã ven biển huyện Hàm Thuận Nam đang ngày càng khởi sắc.
Trọng tâm của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Nguồn vốn này sẽ tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.