Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Trọn dinh dưỡng cho trẻ từng độ tuổi
Xã hội - Ngày đăng : 18:11, 23/12/2023
Dinh dưỡng cải thiện từng bước
Dĩ nhiên, những gia đình với kinh tế khó khăn, dinh dưỡng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Không loại trừ những gia đình có điều kiện kinh tế, nhưng bà mẹ, người nuôi trẻ nhỏ thiếu kiến thức đúng đắn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, nên nuôi trẻ chưa hợp lý dẫn đến tình trạng béo phì, hoặc suy dinh dưỡng thấp còi. Thậm chí, có những trẻ tiêu chảy và nhiễm ký sinh trùng do trứng giun truyền qua đất mà không quan tâm tẩy giun khiến trẻ kém hấp thụ các chất dinh dưỡng. Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng đến rối loạn chức năng đường ruột, dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ.
Xác định những nguyên nhân về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với tuyến y tế cơ sở ở Hàm Thuận Nam kịp thời tuyên truyền, can thiệp những thời điểm hiệu quả nhất trong nuôi dưỡng trẻ nhỏ từ 0 - 24 tháng tuổi. Cùng với đó, phụ nữ mang thai được tư vấn, hướng dẫn dinh dưỡng thiết yếu bao gồm bổ sung sắt, axit folic, bổ sung năng lượng và thực hành phù hợp về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Trẻ 6 - 60 tháng tuổi, định kỳ 2 lần/năm, được uống bổ sung Vitamin A liều cao, uống thuốc tẩy giun (24 - 60 tháng tuổi). Riêng đợt 2 của năm 2023, toàn huyện có 9.970 trẻ trong tổng số 9.987 trẻ được uống bổ sung Vitamin A liều cao, thuốc tẩy giun, đạt tỷ lệ 99,8%.
Kết quả, số trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân, thấp còi ở Hàm Thuận Nam giảm theo từng năm. Bằng chứng, năm 2023, Hàm Thuận Nam có 10.242 trẻ dưới 5 tuổi thì có 696 trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm tỷ lệ 6,08%; 1.100 trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm tỷ lệ 10.74%. Trong khi đó, năm 2022, số trẻ dưới 5 tuổi của huyện là 11.052 trẻ thì có 778 trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm tỷ lệ 7.04; 1.222 trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm tỷ lệ 11.06%.
Thoát nghèo, thu nhập ổn định
Để đạt kết quả trên, là sự nỗ lực chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân Hàm Thuận Nam. Đa số người dân hiểu rằng dinh dưỡng cho trẻ là yếu tố quyết định thể lực thể trạng, cũng là nguồn lực lao động trong tương lai. Nếu trẻ thiếu dinh dưỡng, lượng vi chất dung nạp vào cơ thể không đủ, thì trẻ bị suy giảm sức đề kháng, chậm phát triển cả về trí não và thể chất, tăng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm và tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ. Để có dinh dưỡng và chăm sóc trẻ tốt, các gia đình phải có điều kiện kinh tế và nguồn thu nhập từ sản xuất, chăn nuôi
Mấu chốt vòng tròn “kinh tế - bữa ăn dinh dưỡng” là giải quyết cái gốc của vấn đề cải thiện sinh kế, cùng hỗ trợ vốn vay và đào tạo kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt cho gia đình khó khăn, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em. Từ đó tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ không còn rơi vào vòng lẩn quẩn. Vì vậy, Hàm Thuận Nam quan tâm phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt, cách làm mới phù hợp từng địa bàn, thổ nhưỡng, tập quán của người dân; đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo vừa mới thoát nghèo. Cụ thể, hướng dẫn người dân cách canh tác cây thanh long, trồng bắp, kỹ thuật nuôi bò sinh sản, nuôi dê… Đồng thời, giúp các hộ nghèo, khó khăn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Và yếu tố không kém phần quan trọng là sự quyết tâm của người dân làm ăn để vươn lên, thoát nghèo bền vững. Thông qua đó, những gia đình này thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định, bữa ăn từng thành viên trong gia đình được cải thiện, rút ngắn số lượng trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi như đã đề cập.
“Thời điểm trước đây, kinh tế gia đình tôi khó khăn, việc nuôi con lo cho đủ ăn 3 bữa/ngày, miễn sao không để con bị đói là mừng lắm. Tôi cũng không bao giờ nghĩ tới việc dinh dưỡng cho các con. Tuy nhiên, giờ đây khác hẳn hơn rồi, các cháu của tôi được cha mẹ chúng quan tâm trong từng bữa ăn. Mỗi bữa ăn có đầy đủ các món thịt, cá, rau, trái cây, sữa… Và đổi món ăn, màu sắc cũng thay đổi cho bắt mắt để các cháu không bị ngán”. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị L. (Hàm cần, Hàm Thuận Nam)
Cùng xã với bà L., chị Lê Thị Phương chia sẻ: "Bây giờ, nuôi trẻ được quan tâm, nuôi bằng sữa mẹ. Hàng tháng, trạm y tế đều cân đo trẻ, uống vitamin A, định kỳ 2 lần/năm, tiêm vắc xin, hướng dẫn cách cho con ăn sao đủ dinh dưỡng. Một cái đáng mừng nhất là thu nhập gia đình ổn định, nhờ vào trồng cây thanh long, nuôi bò. Từ đó mà việc mua thức ăn, chăm con cũng thuận lợi hơn".