Nghề “ghẹ” xứ biển
Kinh tế - Ngày đăng : 05:27, 25/12/2023
Thường thì nghề “ghẹ” được làm theo nhóm có từ 4 - 5 người. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng để làm được nghề “ghẹ”, đòi hỏi người làm phải nhanh nhẹn về đôi tay và sức khỏe phải dẻo dai, bởi vì họ phải ngồi khá lâu... Họ bắt đầu công việc từ khi thuyền cập bến cho tới khi càng những con ghẹ cuối cùng được tách xong. Muốn lấy được thịt từ càng của những còn ghẹ thì phải qua rất nhiều công đoạn: Nhận càng ghẹ từ các chủ ghe, hấp rồi mới tách thịt. Nếu hấp chín quá thì hao thịt mà sống lại rất khó làm. Bất kể công đoạn nào cũng phải tỉ mẩn, dày công… Được biết, đây là nghề chính nuôi sống gia đình của rất nhiều người dân ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi. Trong đó có nhiều người dân gắn bó với công việc này đã mấy chục năm.
Chị Huỳnh Thị Yến Xuân ở khu phố 3, phường Phước Lộc, thị xã La Gi chia sẻ: “Thịt ghẹ làm sẵn được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng, nghề “ghẹ” ra đời cũng từ nguyên nhân đó và duy trì, phát triển cho đến nay, bản thân tôi đã làm nghề này được hơn 20 năm và tôi sẽ cố gắng bám trụ với nghề để nuôi con ăn học và chi tiêu nhiều khoản trong gia đình”.
Được biết, nghề tách ghẹ thuê có việc để làm thường xuyên, hầu như ngày nào cũng có, thường thì sáng sớm các chị đã được nhận mấy chục ký càng ghẹ từ chủ thuyền. Ai làm nhiều sẽ có tiền nhiều, cứ mỗi ký thịt ghẹ được tách từ những chiếc càng như vậy thì người làm sẽ được trả công 50.000 đồng/kg”.
Với đôi bàn tay thoăn thoắt, nhiều chị em phụ nữ phường Phước Lộc, thị xã La Gi cứ ngày ngày lại gắn bó với nghề “ghẹ” để nuôi con cái ăn học đàng hoàng từ chính sức lao động mà họ bỏ ra.