Một sự kiện - nhiều mục tiêu
Du lịch - Ngày đăng : 05:28, 25/12/2023
“Cú hích” truyền thông
Năm 2023, tỉnh tập trung hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, đô thị, dịch vụ du lịch… đặc biệt đã đưa vào khai thác tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, tạo đòn bẩy cho việc phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế của tỉnh Bình Thuận nói chung. Qua đó nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với kế hoạch đưa du lịch trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Chính sự kiện này, đã giúp Bình Thuận tạo được tiếng vang và “cú hích” về truyền thông trong cả nước. Theo báo cáo của UBND tỉnh, có hơn 700 tin, bài viết về Lễ Khai mạc và các hoạt động của Năm DLQG 2023, trong đó cao điểm từ ngày 01/01/2023 - 29/3/2023 đã có hơn 532 tin, bài được đăng trên báo điện tử, tạp chí, chuyên trang, trang thông tin điện tử tổng hợp. Ngoài ra, có hơn 4.000 bài đăng trên facebook, youtube; hơn 1.000 tin, bài, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục, chương trình Nhật ký về tất cả các hoạt động của Năm DLQG 2023 phát trên kênh truyền hình, phát thanh và đăng tải lên nền tảng mạng xã hội của báo, đài. Trang thông tin điện tử Năm DLQG 2023 đã cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh về sự kiện đến nhân dân, du khách; trang thu hút được hơn 138.668 lượt truy cập. Ngoài ra, việc thiết lập trung tâm báo chí đã thu hút khoảng 120 nhà báo, phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật… đến từ hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước đến tác nghiệp. Hơn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đăng tải thông tin về Năm DLQG 2023 lên Cổng thông tin điện tử tỉnh, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực tại nhiều tỉnh, thành phố. Năm DLQG 2023 đã quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Các hoạt động được tổ chức cơ bản đảm bảo theo nhiệm vụ đã đăng ký, nội dung đặc sắc, hấp dẫn có quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế diễn ra xuyên suốt năm 2023. Các hoạt động này đã góp phần mở ra giai đoạn mới trong hợp tác du lịch với các quốc gia, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy mở rộng thị trường khách du lịch trong khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới.
Tác động phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ
Chính nhờ chuỗi sự kiện trong Năm DLQG 2023 đặc sắc, mới lạ, mang thế mạnh đặc trưng của tỉnh Bình Thuận, mà đã lan tỏa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt là nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh và góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh tỉnh Bình Thuận nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch.
Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở VHTT&DL, nhìn nhận: Từ kết quả tốt đẹp của Năm DLQG “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, chúng tôi đang nỗ lực tham mưu, triển khai thực hiện nhiều dự định của tỉnh. Thứ nhất là khẩn trương tham mưu các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn cùng hợp tác với tỉnh trong lĩnh vực du lịch.
Song song đó, khẩn trương tham mưu hình thành bộ máy Khu du lịch quốc gia Mũi Né để đảm bảo sự quản lý thông thoáng đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động đầu tư cũng như thương mại dịch vụ. Tăng cường nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có và với doanh nghiệp sáng tạo, đầu tư thêm các loại hình đáp ứng nhu cầu mới của du khách. Đặc biệt là du khách nước ngoài và các tỉnh phía Bắc.
Bình Thuận thành công trong Năm DLQG 2023 đã góp phần vào thành công chung của du lịch Việt Nam với những bước đột phá. Tổng lượt khách du lịch Việt Nam đạt trên 100 triệu lượt, khách du lịch quốc tế đạt trên 12 triệu lượt. Bình Thuận góp mặt trong danh sách 9 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên, qua đó đóng góp quan trọng vào tổng thu toàn ngành du lịch Việt Nam khoảng 343.100 tỷ đồng.
Ước mơ châu Á
Ông Bùi Thế Nhân khẳng định, sẽ tiếp tục cùng với cộng đồng người dân thí điểm làm du lịch để lan tỏa các giá trị văn hóa, giá trị cộng đồng đưa vào phục vụ du lịch như các lễ hội truyền thống của người dân Bình Thuận, các điểm đến, trong lao động sản xuất, sinh hoạt đời thường của người dân. Theo đó, phải đón khách với tâm thế mới, tạo nên sự hòa quyện mới giữa người dân và du khách.
Đồng thời, tăng cường hợp tác xúc tiến mạnh hơn nữa ra bên ngoài tỉnh, khu vực, thị trường nước ngoài. Đây là những vấn đề cơ bản để tiếp nối thành công của Năm Du lịch quốc gia. Một Năm Du lịch quốc gia chuẩn bị khép lại với thành tựu rất lớn. Từ kết quả này tác động rất mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận đưa doanh thu du lịch vượt 20.000 tỷ. Tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược nhìn thấy được tiềm năng, lợi thế khi đầu tư vào du lịch Bình Thuận. Do đó, họ sẽ cùng với tỉnh khảo sát, nghiên cứu, khảo sát đề xuất các ý tưởng nâng tầm du lịch bền vững để tiến tới Bình Thuận là điểm đến của châu Á Thái Bình Dương trong tương lai.
Năm Du lịch quốc gia đã tạo “cú hích” mạnh mẽ cho doanh nghiệp đang làm du lịch tại địa phương thấy được sự phát triển mạnh mẽ đó để sẵn sàng tiếp tục đầu tư, gia tăng các sản phẩm hiện có, tìm kiếm các sản phẩm mới phục vụ sự phát triển du lịch tốt hơn. Đặc biệt, người dân những người làm du lịch trực tiếp hay gián tiếp nhìn thấy sự phát triển chung đó mà tìm thấy cơ hội cho mình. Đó là những giá trị lan tỏa mạnh mẽ để phát triển trong tương lai. Vì thế, chúng tôi cũng cần có sự quan tâm của các bộ, ban ngành Trung ương để tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng và hiệu quả, giúp du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong thời gian tới.