Ô nhiễm môi trường biển: Tuyên truyền thôi chưa đủ!
Đời sống - Ngày đăng : 05:47, 26/12/2023
Rác thải đại dương
Là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, nên vùng biển ở Bình Thuận là nơi thường xuyên tập trung hàng ngàn tàu cá của các tỉnh bạn đến khai thác, thu mua hải sản. Đây cũng là nguyên nhân đang góp phần gây ô nhiễm môi trường biển hiện nay. Ô nhiễm rác thải đang là vấn nạn, thách thức lớn của hầu hết các quốc gia có biển. Sự bùng phát của rác thải biển là quá trình được tích lũy lâu dài, tràn lan theo sự tiện lợi của hoạt động sống con người “nhanh, gọn, nhẹ”. Không khó để bắt gặp những hình ảnh xấu xí khi người dân vô tư đổ rác xuống sông, xuống biển. Chính thói quen khó bỏ này, khiến con sông Cà Ty nói riêng, và các vùng biển ven bờ trong tỉnh luôn phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm qua. Đi ngang nơi này, có thể thấy đủ loại rác thải sinh hoạt như: Thùng xốp, chai nhựa, bao nilon, hộp cơm… và cả nước thải được xả trực tiếp xuống sông, khiến dòng sông ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”. Cụ thể hóa Nghị quyết nêu trên, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động. Tại Bình Thuận, Chương trình hành động số 60-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã xác định “Kiểm soát tốt môi trường biển…; quản lý, tổ chức thu gom rác thải biển và xử lý nghiêm việc xả rác ra biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường vùng biển, đảo của tỉnh”. Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm giảm thiểu, ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển được quan tâm lồng ghép trong hầu hết các kế hoạch, chương trình phát triển bền vững của các ngành và lĩnh vực liên quan đến biển.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức gần 100 lớp tuyên truyền, quán triệt cho các đơn vị lồng ghép theo các nhiệm vụ để phổ biến, vận động, nhắc nhở người dân; tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về rùa biển và tác hại của rác thải nhựa”; thường xuyên phát thanh loa đài trong khuôn viên Cảng cá. Ngoài ra, còn diễn ra các sự kiện như Tuần lễ Môi trường, Ngày Du lịch Bình Thuận, Chiến dịch Du lịch xanh…
Nhiều giải pháp hạn chế rác thải
Đặc biệt, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, ngành du lịch đã đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp cơ sở du lịch, dịch vụ lựa chọn sản phẩm có dán nhãn thân thiện môi trường; sử dụng sản phẩm làm bằng vật liệu hữu cơ, hạn chế dùng đồ nhựa hoặc dùng nhiều lần. Không chỉ vậy, nhiều cơ sở chủ động lắp đặt các thùng rác công cộng tại vỉa hè khu du lịch, bãi biển cho du khách và người dân bỏ rác vào thùng. Một số resort đặt sẵn bình nước lớn miễn phí để khách lưu trú sử dụng thay vì mua nước uống đóng chai. Với những ý tưởng thiết thực đó, toàn tỉnh đã có 4 cơ sở lưu trú du lịch đạt Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh cấp độ 3; 1 cơ sở đạt cấp độ 4 và nhiều cơ sở đã có những ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các năng lượng thay thế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Song song đó, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực hiện nhân rộng mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Ra quân thu gom, xử lý rác tại các điểm đen và ô nhiễm rác thải ở sông, ven bờ biển. Đây được xem là hoạt động thường xuyên không chỉ của lãnh đạo tỉnh, mà các cấp, các ngành, người dân đều chung tay, tạo sự lan tỏa mạnh trong nhân dân toàn tỉnh.
Mặc dù công tác quản lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng đã được các sở, ngành, địa phương các cấp triển khai quyết liệt nhưng tình trạng ô nhiễm rác thải trên biển và ven biển của tỉnh vẫn chưa được xử lý triệt để. Cảnh tượng rác thải tập trung, trôi dạt vào các khu dân cư ven biển, cảng cá/khu neo đậu tàu cá, một số khu vực bãi biển, khu du lịch… rác trôi nổi trên biển vẫn thường xảy ra.
Trước tình trạng trên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị các cấp, các ngành phải phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường biển một cách sâu rộng, với nhiều hình thức đa dạng, sinh động hơn. Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho các nguồn lực, cơ sở hạ tầng để phục vụ và đáp ứng đủ nhu cầu cho các hoạt động phân loại, thu gom, xử lý, tái chế các loại rác thải tại các địa phương ven biển, đảo. Lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường biển, đảo vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các ngành, lĩnh vực và địa phương liên quan ở các cấp để tranh thủ sử dụng các nguồn lực sẵn có. Tăng cường phối hợp trong kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường biển đảo; xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, kể cả yêu cầu đình chỉ hoạt động cho đến khi cơ sở khắc phục xong ô nhiễm…
Theo báo cáo của Chương trình Liên Hiệp Quốc, mỗi năm, Việt Nam xả ra đại dương từ 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm 6% toàn thế giới, đứng thứ 4 thế giới.