Giảm nghèo bền vững Hàm Thuận Nam: Xây dựng mô hình, trao “sinh kế” phù hợp cho hộ nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 26/12/2023
Trao “sinh kế” cho hộ nghèo
Trước khi là trong những hộ được xét hỗ trợ bò giống thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chị Nguyễn Thị Kim Lài (thôn 1, xã Mỹ Thạnh) loay hoay mãi không biết làm gì để thoát nghèo. Thiếu đất sản xuất, hai vợ chồng làm đủ nghề vẫn không đủ cho 4 miệng ăn. “Con cái ngày càng lớn, chi phí, nhu cầu sinh hoạt tăng lên, nhưng không dám mạnh dạn vay vốn nhiều sợ mất khả năng chi trả. Năm 2022, được địa phương xét trong danh sách nhận bò giống, cả hai vợ chồng đều vui mừng. Với một ít kinh nghiệm nhờ từng chăn bò thuê hơn 4 năm nay nên tôi nghĩ sẽ mang lại hiệu quả”, chị Lài nói.
Quả thật, khi được trao “sinh kế” phù hợp, ngay khi nhận được bò, chị đã chăm sóc kỹ, còn trồng cỏ để khi vào mùa khô cỏ cháy nắng, khan hiếm thức ăn còn có để bò ăn, không gầy ốm hay mắc bệnh. Sau một năm chăm sóc, bò mẹ sinh thêm bê con. Năm nay, giá bò không cao như mọi năm, nhưng chị cố gắng nuôi để có thêm lứa bò con cho những năm tiếp theo. Có thêm con giống, chồng chị Lài - anh Nguyễn Quốc Kha vẫn chịu khó làm đủ việc để ổn định cuộc sống. Nhờ đó gia đình chị là một trong ít hộ nằm trong danh sách được thoát nghèo của xã trong năm 2023.
Ông Trần Văn Quảng – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: Dự án hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Những hộ được nhận bò giống đã được xét chọn đảm bảo đúng đối tượng, đúng các tiêu chí. Năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Mỹ Thạnh với số lượng 22 con bò giống cho 22 hộ nghèo với kinh phí quyết toán 356,4 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thực hiện mô hình này cho 5 hộ với kinh phí 80 triệu đồng. Riêng xã Mỹ Thạnh vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ 3 hộ nghèo, mỗi hộ một con bò với tổng kinh phí 48 triệu đồng.
Trước khi bàn giao con giống, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản cho 100% hộ hưởng lợi. Đàn bò bàn giao được kiểm dịch chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, trọng lượng từ 180 - 220 kg/con theo định mức kỹ thuật. Sau 1 năm nuôi, trong số bò được hỗ trợ nhiều con đã sinh sản bê con và xuất bán, góp phần mang lại thu nhập cho gia đình.
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho hộ nghèo
Kết quả từ đợt đầu tiên triển khai tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại những tín hiệu tích cực cho hộ nghèo xã Mỹ Thạnh, nơi được thụ hưởng mô hình. Góp phần giúp xã này giảm 23 hộ thoát nghèo trong năm 2023. Hiện toàn xã chỉ còn 171 hộ nghèo/594 khẩu, hộ cận nghèo 29 hộ/103 khẩu. Đây cũng là cơ sở để các phòng, ban chuyên môn và chính quyền huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục triển khai những nội dung của dự án trong năm 2024 tới các xã khác.
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện, ông Trần Văn Lanh – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thừa nhận việc triển khai dự án còn chậm do gặp một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, trong tổng số gần 450 triệu đồng phân khai cho phòng thực hiện dự án năm 2022, thì chỉ thực hiện đạt 91,15%; còn kinh phí gần 1,2 tỷ đồng phân khai năm 2023 thì đến tháng 1/2024 mới triển khai giao con giống được. Nguyên nhân do đây là chương trình mới nên khi thực hiện ở địa phương còn nhiều lúng túng. Thêm nữa dự án yêu cầu nhiều thủ tục, hồ sơ, trong khi nhận thức của hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế. Quá trình xét đối tượng cũng mất nhiều thời gian, bởi nhiều hộ đủ điều kiện lại muốn nhận vật nuôi khác hoặc không có lao động đáp ứng nuôi bò. Ngoài ra chưa có hướng dẫn định mức chi cụ thể và việc phân bổ vốn chậm.
Bản thân hộ nuôi dù đã được ngành chức năng, địa phương theo dõi và hỗ trợ về kỹ thuật, nhưng vốn quen với cách chăn nuôi theo phương thức chăn thả truyền thống, chuồng trại sơ sài, tiêm phòng chưa đúng thời gian, nguồn thức ăn hạn chế nên một số trường hợp bò chưa phát triển như yêu cầu đề ra.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu dự án, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn thủ tục, hồ sơ. Dự kiến trong tháng 1/2024 sẽ bàn giao 75 con giống cho 75 hộ nghèo tại 6 xã, ngoài ra còn hỗ trợ vật tư làm chuồng trại, thức ăn trong thời gian đầu. Đồng thời khuyến khích các hộ được thụ hưởng tái đầu tư, thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, tập huấn và cử cán bộ thường xuyên giám sát, kiểm tra để các hộ thay đổi cách thức chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.