Khu Di tích tháp Pô Sah Inư: Chuẩn bị chu đáo đón khách tham quan dịp tết
Du lịch - Ngày đăng : 05:42, 28/12/2023
Nằm trên tuyến đường du lịch từ trung tâm TP. Phan Thiết đi Mũi Né, Hòa Thắng, vì thế di tích tháp Pô Sah Inư (nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) là một điểm dừng chân của nhiều đoàn khách.
Đây là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, cách trung tâm TP. Phan Thiết 7 km về phía Đông Bắc. Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Khoảng cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ thứ IX, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích thờ vị thần Shiva - một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính. Thế kỷ XV, người Chăm xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pô Sah Inư, là con của vua Para Chanh. Công chúa có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý.
Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Pô Sah Inư là một trong những cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn.
Ông Trần Đức Dũng – Trưởng Ban quản lý di tích tháp Pô Sah Inư cho biết: Đến thời điểm này, Ban Quản lý di tích đã cơ bản hoàn tất công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường, trang trí cây cảnh từ ngoài cổng cho đến đường dẫn lên tháp và các khu vực tháp. Đồng thời lắp dựng Panô cổng chào, chương trình hoạt động tết, phướn tuyên truyền, quảng bá hoạt động phục vụ du khách.
Cụ thể, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, tại khu vực sân tháp A, Đội văn nghệ dân gian Chăm sẽ biểu diễn dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ phục vụ du khách. Cũng bắt đầu từ ngày 30/12, Ban quản lý tổ chức trưng bày, triển lãm ảnh với chủ đề “Vùng đất và con người Bình Thuận”. Thông qua 48 bức ảnh tư liệu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh sẽ khái quát về một Bình Thuận hiền hòa, chứa đựng nhiều di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, các lễ hội văn hóa tiêu biểu và luôn thân thiện, nghĩa tình đối với bạn bè gần xa… Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 29/2/2024.
Riêng hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2024, từ ngày mùng 2 đến mùng 6, ngoài biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm còn có phần trình diễn nghề truyền thống do các nghệ nhân dân tộc Chăm thực hiện và hướng dẫn nếu du khách muốn trải nghiệm, như làm gốm, dệt thổ cẩm, làm bánh gừng. Đây vừa là hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa, vừa khai thác, phát huy di sản. Qua đó giới thiệu nền văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Chăm, tạo thêm điểm nhấn cho du khách đến tham quan di tích.
Ông Trần Đức Dũng thông tin thêm: Để đảm bảo an toàn cho du khách, Ban quản lý đã xây dựng phương án giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong khu di tích, bố trí bãi đậu xe hợp lý. Đồng thời phân công, cắt cử cán bộ hướng dẫn khi có nhu cầu, chia ca trực 24/24 đảm bảo an toàn tài sản cho du khách. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Bình Thuận an toàn, thân thiện, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách gần xa.
Năm 2023, Di tích tháp Pô Sah Inư đón 158.850 lượt khách, vượt gần 12.000 lượt khách so kế hoạch đề ra. Trong đó có 3.220 khách nước ngoài đến tham quan.