Bình Thuận cần hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 10:39, 29/09/2019
Trang trại thanh long sạch ở Hàm Thuận Nam.
Theo đó, những trang trại quy mô lớn đang dần thay thế các mô hình sản xuất, nuôi trồng nhỏ lẻ. Máy móc thay thế sức người. Các khâu làm đất, vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Thuận đạt mức cơ giới hóa cao. Không ít mô hình canh tác ứng dụng công nghệ như trại nuôi tôm giống ở Tuy Phong; trang trại thanh long ở Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel đã bước đầu thu được hiệu quả; nhất là vương quốc cây thanh long, loại cây ăn trái xuất khẩu được ưa chuộng ở châu Á, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, tại Bình Thuận, trong chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì khâu chế biến là yếu nhất, một số lĩnh vực hầu như không có, trái thanh long phần lớn xuất tươi bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thêm nữa, hệ thống logistics phục vụ vận chuyển còn hạn chế, khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của Bình Thuận “buộc lòng” phải xuất khẩu tươi, tỷ lệ sau chế biến như đông lạnh, sấy khô hay cô đặc còn thấp. Vì thế giá trị thu về không cao và rủi ro hư hỏng, hao hụt sau thu hoạch còn lớn… Đánh giá về những khó khăn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Thuận, ông Trương Nhất Thiện cho biết thêm, có quá nhiều lý do khiến nông nghiệp công nghệ cao khó phát triển và nhanh chóng thu hồi hồi vốn. Đó là vấn đề hạn chế về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, quy mô sản xuất còn nhỏ và phân tán, cơ sở dữ liệu phân tán, rời rạc; vốn đầu tư hạn chế; đầu ra giá cả bấp bênh…
Do vậy, theo ông Trương Nhất Thiện, làm nông nghiệp công nghệ cao cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản tạo niềm tin khách hàng; phải xây dựng được mối quan hệ đối tác lành mạnh giữa các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Trong đó, người dân là khu vực sản xuất vệ tinh thông qua các đại diện chủ yếu là hợp tác xã. Hợp tác xã đều có pháp nhân tương xứng và có thể hợp tác cùng các doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra. Liên kết chuỗi giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với dịch vụ du lịch hướng thêm đầu ra sản phẩm. Hình thành đội ngũ doanh nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng nguồn nhân lực để người làm nông nghiệp phải biết IT và đội ngũ IT hiểu về bản chất nông nghiệp. Bình Thuận có thể hợp tác với TP. Hồ Chí Minh thông qua khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, thông qua công ty nông nghiệp sản xuất để hiểu lẫn nhau những nhu cầu, từ đó có cơ hội phát triển, hợp tác với các tổ chức quốc tế phát triển lĩnh vực này…
T. Khoa