Hiệu quả từ mô hình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”

Pháp luật - Ngày đăng : 05:33, 03/01/2024

Hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, để hỗ trợ các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an thị xã La Gi đã triển khai chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”, qua đó nhận được sự đồng tình đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của người dân tham gia.

Thời gian qua, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn biến phức tạp, nhất là sử dụng để giải quyết mâu thuẫn, gây án, trả thù cá nhân, cướp tài sản trên địa bàn thị xã La Gi có lúc, có thời điểm vẫn còn phức tạp. Trong đó, đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đặc biệt thời gian vừa qua, trên địa bàn thị xã đã xảy ra một số vụ thanh thiếu niên sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Có một số trường hợp, thanh thiếu niên đã mua các thiết bị máy móc để tự làm các loại vũ khí như: Dao, kiếm, mã tấu… Điều này làm tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

e519d17a80e228bc71f3(1).jpg
Người dân thị xã La Gi giao nộp vũ khí đổi bình chữa cháy.

Trước tình hình đó, từ ngày 20/11/2023, Công an thị xã La Gi đã triển khai chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”. Thực hiện chương trình này, Công an thị xã La Gi và Công an các xã, phường trên địa bàn đã chủ động tham mưu với UBND các cấp xây dựng, triển khai các kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng phong trào đến với từng hộ gia đình, từng người dân; lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi họp thôn, họp Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… về tác hại, nguy hiểm cũng như những hậu quả có thể xảy ra khi tàng trữ các loại vũ khí tự chế trong gia đình… từng bước nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân.

Trước khi chính thức tổ chức chương trình, Công an thị xã La Gi đã tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền về những tác hại, tiềm ẩn nguy hiểm khi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đến người dân như thông qua các buổi họp thôn, khu phố; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã, phường và tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, zalo, facebook… Để thực hiện hiệu quả phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” cũng như ngăn chặn hiểm họa từ các vũ khí, vật liệu nổ gây ra; lực lượng Công an xã, phường người có uy tín trên địa bàn thị xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ... nhằm hỗ trợ người dân trang bị “bình chữa cháy” tại nhà để sẵn sàng chữa cháy khi cần thiết, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Sau một thời gian triển khai chương trình, người dân trên địa bàn thị xã đã nộp 65 vũ khí, công cụ hỗ trợ các loại. Trong đó có 3 khẩu súng hơi cồn tự chế, 1 khẩu súng hơi, 1 bình xịt hơi cay và 60 vũ khí thô sơ. Số vũ khí, công cụ hỗ trợ trên đã đổi được 16 bình chữa cháy cầm tay.

Việc hưởng ứng chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy” của nhân dân trên địa bàn thị xã La Gi đã và đang góp phần đắc lực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, không để gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật, các vụ việc đáng tiếc liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn…

Để duy trì và nâng cao hiệu quả vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngoài sự nỗ lực của lực lượng công an cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia, vào cuộc. Khi người dân đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm, tự giác giao nộp, không sử dụng, cất giữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chính là góp phần mang lại sự bình yên trên địa bàn.

Nguyễn Luân