Ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thời gian qua
Kinh tế - Ngày đăng : 19:30, 03/01/2024
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với sự tham dự của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc. Tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, toàn ngành đã thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2023 tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, ngành vẫn còn hạn chế như liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Công tác phối hợp điều tiết sản xuất và giá một vài mặt hàng thiết yếu chưa thực sự hiệu quả. Còn điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép…
Tại hội nghị, một số tỉnh, thành, hiệp hội, ngành hàng đã có phát biểu đánh giá về những kết quả đạt được trong năm qua của ngành nông nghiệp tại địa phương. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, năm 2023 toàn ngành thực hiện đạt và vượt 12/13 chỉ tiêu, 1/13 chỉ tiêu đạt 86,9% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 3,31%/ kế hoạch 2,81%. Tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lượng nước tích trữ tại các hồ đập đảm bảo phục vụ sản xuất nên thời gian xuống giống vụ đông xuân và vụ hè thu đúng kế hoạch. Diện tích gieo trồng cây ngắn ngày năm 2023 vượt 4% kế hoạch (200.454 ha/ kế hoạch 192.700 ha), tăng 1,4% so năm 2022; sản lượng lương thực toàn tỉnh năm 2023 đạt 843.893 tấn/kế hoạch 800.000 tấn, đạt 105,5% kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, kết quả, thành tựu mà ngành Nông nghiệp và PTNT đã đạt được trong năm 2023. Đồng thời nhấn mạnh, ngành có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước, là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thủ tướng yêu cầu ngành cần kế thừa, phát huy thành quả đã đạt được; triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Toàn ngành phải thực sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới; khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới trong phát triển ngành nông nghiệp; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thực hiện thắng lợi mục tiêu trong năm 2024 là tăng trưởng đạt từ 3,5 - 4%.
Thủ tướng lưu ý, ngành phải có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, phải đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm…