Người có công bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc K’ho, Raglai
Xã hội - Ngày đăng : 05:42, 04/01/2024
Nói để dân tin
Phan Sơn là một xã vùng cao của huyện Bắc Bình, 96% là dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc K’ho và Raglai. Đời sống của đồng bào so với trước đây có khá hơn, nhưng so với mặt bằng chung hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi do trình độ dân trí còn thấp, tư duy đầu tư phát triển kinh tế sản xuất chưa thoát khỏi lối sống tự cung tự cấp, nên chưa mạnh dạn trong đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa nhiều.
Thêm vào đó, từ khi có dự án hồ Sông Lũy, một trong những công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho các huyện phía Bắc của tỉnh và một phần của TP. Phan Thiết (Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết), cách sản xuất của người dân nơi đây bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ thi công, đưa công trình vào sử dụng, không biết đã có bao nhiêu cuộc họp diễn ra để vận động bà con di dời đến nơi ở mới. “Tôi và các già làng, trưởng bản đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động để đồng bào thấu hiểu, chia sẻ và đi đến đồng thuận nhường lại đất đai, nhà cửa, vườn tược của mình (nằm trong lòng hồ) để dự án được thi công, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như hôm nay”, K’Bé cho biết.
Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhưng đụng đến quyền lợi, tâm linh của đồng bào, vì có nhiều mồ mả lâu đời trong lòng hồ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền, với sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các già làng, trưởng bản nên đồng bào nơi đây đã giao lại 783 ha diện tích đất nông nghiệp, 30 ha đất ở, vận động di dời 443 căn nhà… Đặc biệt, đã vận động bà con di dời được 101 mồ mả của 56 hộ của giai đoạn 1. Hiện nay khi có người quá cố, đồng bào đều đưa về chôn cất ở nghĩa trang mới. “Theo tôi, đây là thành công lớn trong vận động đồng bào chấp nhận các quy định mới của chính quyền. Đồng thời, chúng tôi đã tích cực tìm nơi ở mới cho dân làng sao cho phù hợp với phong tục tập quán, nếp sống, sinh hoạt, sản xuất của đồng bào và chọn được đoạn km 27 đến km 30 của quốc lộ 28B làm nơi ở mới, được đồng bào đồng thuận cao. Nơi đây đã được Nhà nước đầu tư đầy đủ hạ tầng cơ bản như điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác đáp ứng nguyện vọng cũng như phục vụ tốt đời sống sinh hoạt, kinh tế của đồng bào”, ông K’Bé giải thích thêm.
Giữ gìn bản sắc dân tộc
Đi đôi với việc vận động đồng bào ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế, già làng K’Bé còn đi đầu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nơi dân cư”, đặc biệt là việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa mỗi dân tộc. Từ nhận thức đó, già làng K’Bé rất quan tâm vận động, tuyên truyền cho đồng bào cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó đổi mới cách tổ chức tang, cưới, lễ hội, phục dựng các nhạc cụ truyền thống, các bài ca, trống hát tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Theo đó, người có uy tín, các già làng, trưởng bản đã tích cực tuyên truyền để trong tang, cưới, lễ hội vừa bảo đảm phong tục tập quán vừa phù hợp với xu thế mới, xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Đến nay, trong các đám tang, hầu hết người chết không để lại trong nhà quá 48 tiếng, hạn chế việc ăn uống linh đình gây lãng phí và mất vệ sinh. Trong cưới hỏi ở vùng đồng bào, một số người có uy tín, các già làng, trưởng bản trong thôn, xã đã tích cực tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình. Ông K’Bé đã đề xuất với chính quyền quản lý những người có khả năng tổ chức cưới, hỏi như vai trò của ông Cậu trong gia đình, các ông mai, bà mối, các thầy cúng không được tổ chức lễ cưới, hỏi cho trẻ vị thành niên. Đồng thời, phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, cán bộ tư pháp lập danh sách các nam nữ thanh niên dưới 18 tuổi để quản lý và tuyên truyền. Nhờ đó, đến nay toàn xã không còn hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn giảm dần, việc thách cưới nhẹ nhàng hơn, có trường hợp chỉ còn là hình thức.
Không chỉ vậy, gần đây người uy tín trong làng rất quan tâm đến phục hồi văn hóa phi vật thể. Ông K’Bé cùng các già làng, trưởng bản đã đề nghị mua sắm nhạc cụ, các trang phục truyền thống để phục vụ lễ hội, đặc biệt là mời nghệ nhân cồng chiêng của tỉnh Lâm Đồng về hướng dẫn giảng dạy cho đội cồng chiêng của xã để bảo tồn, tránh mai một. Nhờ đó, đến nay toàn xã có 9 nghệ nhân thổi kèn, 6 nghệ nhân đánh trống và 11 nghệ nhân biết hát dân ca dân tộc K’ho, Raglai. "Đặc biệt hơn, Viện âm nhạc Việt Nam (thuộc Bộ VH - TT và DL) vừa qua đã về Phan Sơn sưu tầm một số làn điệu âm nhạc dân gian của người K’ho. Tôi đã vận động 1 đội đánh cồng chiêng có đội múa, 4 nghệ nhân thổi kèn bầu và 6 nghệ nhân hát dân ca K’ho để phục vụ cho đoàn ghi hình và thu âm tại xã Phan Sơn” - ông K' Bé nói.
Qua đó cho thấy, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vai trò của người uy tín, già làng, trưởng bản giữ vị trí rất quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện luật pháp, cũng như các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Với những gì già làng K’Bé đã và đang làm, hy vọng, ông tiếp tục là người tiên phong trong các hoạt động, là người giữ lửa, gương mẫu để làm gương cho con cháu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.