Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi do thiên tai: Chậm do hướng dẫn thiếu cụ thể?

Kinh tế - Ngày đăng : 17:10, 27/09/2019

BT- 1. “Người ta đi cấy lấy công. Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…” - Câu ca dao có từ xa xưa, nói về sự cực nhọc trong lao động, sản xuất của nông dân Việt Nam. Câu ca dao đó nhắn nhủ rằng, sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng dù phải đổ mồ hôi, nước mắt. Những năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thể hiện rõ nhất là liên tục trong thời gian qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lốc xoáy… đã và đang xảy ra, gây biết bao thiệt hại về đời sống và sản xuất của dân. Sau thiên tai, không ít hộ dân bị mất trắng cây trồng, vật nuôi, lâm vào cảnh thua lỗ, cụt vốn.

 Tại Bình Thuận, trong năm 2018, mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn và  ảnh hưởng của cơn bão số 9 xảy ra trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại trên 12.000 ha cây trồng. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, nắng hạn, mưa lũ đã làm thiệt hại hàng ngàn ha cây ngắn ngày. Điều bà con cần ngay lúc này là sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, để phần nào vơi bớt khó khăn, khôi phục sản xuất.

 2. Thực hiện Nghị định số 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 02, đến nay UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ trên 68,583 tỷ đồng cho nông dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Trong đó, tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, tổng số tiền được hỗ trợ là 36,388 tỷ đồng/20.043 ha, tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh… Đối với vật nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản, tổng số tiền được hỗ trợ là 1,665 tỷ đồng tại 3 huyện Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh… Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian vừa qua, công tác phòng chống thiên tai của tỉnh đã và đang đi vào nền nếp, từng bước chuyển từ bị động sang chủ động và khắc phục nhanh những hậu quả do thiên tai gây ra.

3. Tuy nhiên, phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, quá trình triển khai Nghị định 02, vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng trong việc tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho nông dân có cây trồng lâu năm, cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại do thiên tai. Mặt khác, số tiền được hỗ trợ khi đến tay người dân thường kéo dài khoảng 1 năm sau khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, mức hỗ trợ còn “khiêm tốn” (diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha), thủ tục liên quan khá nhiều, nên một số hộ dân không tiếp cận chính sách này. Ngoài ra, vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng trong việc tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho nông dân có cây trồng lâu năm, cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại do thiên tai… Đơn cử tại khoản 1, điều 3, Nghị định số 02 quy định: “Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại)”. Tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai chưa cụ thể, như chi phí sản xuất ban đầu là những chi phí nào? Áp dụng cho loại cây trồng nào? Thời điểm nào?...

Từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị làm rõ để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện nghị định trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay sở vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể, do đó việc hỗ trợ nông dân tiếp tục… chờ!?

K.Hằng