Một lần đến chợ nổi Cái Răng!

Du lịch - Ngày đăng : 05:54, 05/01/2024

“Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó lòng không muốn về” – Từ miền biển cát trắng – nắng vàng Bình Thuận, chúng tôi có dịp đến với mảnh đất Tây Đô trước thềm năm mới 2024, với thời gian chỉ khoảng 6 tiếng đồng hồ. Điểm lựa chọn đầu tiên ngay khi đến đây là trải nghiệm phiên chợ nổi Cái Răng, một điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Với giá vé 100.000 đồng/người, hơn 5 giờ sáng, chúng tôi đã đến bến Ninh Kiều, ngay trung tâm thành phố để xuống tàu, khoác trên mình chiếc áo phao bảo hộ và bắt đầu chuyến hành trình chạy tàu dọc theo sông Cần Thơ để vào chợ nổi Cái Răng, cách trung tâm chừng 7 km. Dù trời còn nhá nhem tối, nhưng sự tấp nập của tàu thuyền, ghe chở nông sản qua lại trên sông đã vô cùng náo động. Tiếng máy nổ, tiếng sóng nước, tiếng mời chào khách “ngọt lịm” của những chủ chiếc ghe nhỏ chạy sát tàu để bán hàng. Theo giới thiệu, chợ nổi Cái Răng bắt đầu họp từ 2 - 3 giờ sáng, nhộn nhịp nhất vào khoảng 4 - 6 giờ sáng và hoạt động mua bán diễn ra cả ngày.

cho-noi.jpg

Quả thật, trong tiết trời mát mẻ buổi sáng sớm mai ở miền sông nước, dọc hai bên sông là sự xuất hiện dày đặc của các tàu hàng neo đậu tại chỗ. Trên khoang tàu chứa vô số các loại nông sản như bí đỏ, dưa hấu, cam, bưởi tươi xanh. Ở đó còn có những căn nhà, quán ăn nổi, nơi sinh sống, buôn bán của người dân. Anh Hải lái tàu dịch vụ chở chúng tôi cho hay, chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối chuyên mua bán rau củ trên sông Cần Thơ. Nơi đây tụ họp rất nhiều tàu hàng, ghe đến từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi tỉnh được nhận diện qua biển số gắn trên phương tiện. Có tàu, ghe đậu buôn bán một tuần, có tàu năm, ba ngày là đi chỗ khác. Nếu quan sát, chúng ta thấy các ghe bán sẽ để một chậu cây bất kỳ, phân biệt với ghe mua.

Khi thấy sự xuất hiện của tàu chở khách du lịch, những chiếc ghe nhỏ chở đầy trái cây như chôm chôm, nhãn, xoài, vú sữa tiến sát lại gần, mời chào du khách ăn thử và ra giá bán bình quân từ 30.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại. Bên cạnh các ghe bán trái cây, còn có cả ghe bán trà, cà phê, nước ngọt mời chào khách ngay trên sông. Tất cả mọi giao dịch đều qua ô cửa sổ của tàu dịch vụ. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của các gia đình với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Mỗi chiếc ghe là một căn nhà trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ. Theo như giới thiệu của người lái tàu, cuộc sống của họ trên sông không thiếu gì, ngoài… sổ đỏ.

cho-noi-1.jpg
Mặt hàng nông sản được bày bán trên ghe.

Lần đầu tiên được trải nghiệm phiên chợ nổi Cái Răng, được hòa trong tiếng nhạc ngọt ngào của miền đồng bằng Sông Cửu Long và tiếp xúc với những con người có mặt nơi đây, tôi cảm nhận được sự chân chất, chịu thương chịu khó nơi họ. Hành trình trải nghiệm phiên chợ nổi chỉ diễn ra trong 2 – 3 tiếng đồng hồ, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi và nhiều du khách khác.

Rời con sông Cần Thơ rộng lớn, trải dài, tôi chợt nghĩ khi chưa một lần đến, tưởng tượng đến sự xa xôi, cách trở khi nhắc đến miền Tây sông nước. Nhưng đi rồi mới thấy được sự phát triển của hạ tầng giao thông, với các tuyến cao tốc từ Bình Thuận vào TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và vô số những cây cầu lớn nhỏ, giúp kết nối vùng miền dễ dàng. Trước sự phát triển không ngừng ấy, vùng đồng bằng sông nước miền Tây nay đã có nhiều đổi thay, giảm dần việc đi lại bằng giao thông đường thủy. Riêng chợ nổi Cái Răng, với nét văn hóa đặc trưng độc đáo, đã và đang thu hút du khách mọi miền tìm về. Địa danh này đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Từ sông Cần Thơ, tôi lại liên tưởng về dòng Cà Ty uốn lượn giữa lòng thành phố biển Phan Thiết. Tôi lại nhớ về những trải nghiệm trượt đồi Cát dưới ánh nắng vàng rực đầy thú vị… Có lẽ, mỗi vùng miền đều có những nét đặc thù khó nơi nào có được, tạo điểm nhấn du lịch của mỗi địa phương, cần phát huy, gìn giữ…

Với tôi, chợ nổi Cái Răng - một lần đến thật khó quên khi trở về!

Kiều Hằng