Thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 05:10, 09/01/2024

Tại Bình Thuận, công nghiệp được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế, qua đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư

Toàn tỉnh hiện có 8/9 khu công nghiệp (KCN) triển khai đầu tư hạ tầng, trong đó một số KCN được xây dựng cơ bản hoàn thành như KCN Phan Thiết giai đoạn 1, KCN Phan Thiết giai đoạn 2, KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II, KCN Sông Bình... Ngoài ra trên địa bàn Bình Thuận còn có 27/36 cụm công nghiệp được thành lập theo quy hoạch, trong đó 15 cụm công nghiệp đã xúc tiến đầu tư hạ tầng. Thời gian qua, các KCN của tỉnh thu hút được 85 dự án thứ cấp (gồm 59 dự án đầu tư trong nước, 26 dự án vốn nước ngoài), với các cụm công nghiệp mời gọi khoảng 175 dự án đầu tư. Đó là chưa tính 3 dự án quy mô được chấp thuận chủ trương đầu tư gần đây tại Bình Thuận: Kho cảng LNG Sơn Mỹ (vốn đăng ký 31.434 tỷ đồng), Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II (hơn 49.500 tỷ đồng), Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I (gần 47.470 tỷ đồng).

img_3826.jpg
Trong phát triển các ngành năng lượng, Bình Thuận cũng tính đến thu hút phát triển điện khí LNG... (Ảnh minh họa).

Cùng với việc huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho lĩnh vực này, địa phương cũng tập trung khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp. Như với công nghiệp năng lượng, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, hướng đến đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Đến nay có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện (gồm 4 nhà máy nhiệt điện, 7 nhà máy thủy điện, 9 nhà máy điện gió, 26 nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện diesel) với tổng công suất 6.523,21 MW và tổng sản lượng điện thiết kế là 31 tỷ kWh/năm...

Đối với công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, bên cạnh việc tăng cường thu hút dự án thì địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và tạo thêm việc làm cho lao động khu vực nông thôn… Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, đến nay có 19 dự án trong KCN tham gia sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông - lâm - thủy sản và hầu hết đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 2.900 lao động.

Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp

Theo định hướng, tới đây địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, tạo thêm quỹ đất nhằm thu hút các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận. Đồng thời xúc tiến quy hoạch KCN công nghệ cao ở vị trí phù hợp, thuận lợi, hấp dẫn để qua đó kêu gọi đầu tư và phấn đấu sau năm 2025 sẽ hình thành 1 KCN công nghệ cao hiện đại.

Cùng với đó tiếp tục thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, nhất là ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, nhiệt điện khí LNG và nghiên cứu thủy điện tích năng. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất của ngành sản xuất - phân phối điện đạt 14,5%/năm, chiếm tỷ trọng 60 - 65% trong cơ cấu ngành công nghiệp Bình Thuận… Riêng công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Qua đó hướng đến khai thác, chế biến sâu sa khoáng titan cũng như tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ quặng titan.

Thời gian tới, địa phương cũng quan tâm kêu gọi đầu tư nhằm tạo bước đột phá cho công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản gắn với sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh và tạo ra giá trị gia tăng cao. Mặt khác còn khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu gắn với liên doanh, liên kết, hợp tác để cùng đầu tư - khai thác tiềm năng, lợi thế đem lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời phát triển sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu ngành dệt - may, da - giày và sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử, vật liệu mới. Hay như thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm và công nghiệp môi trường, công nghiệp cơ khí, đóng - sửa tàu thuyền phục vụ đánh bắt xa bờ hoặc sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp điện - nước, xử lý rác thải, nước thải… nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững.

Thời gian tới, Bình Thuận cũng tính đến đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, công nghệ xanh hiện đại, nhất là công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, cơ khí, điện tử và công nghiệp phụ trợ để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương...

QUỐC TÍN