Mô hình canh tác giống khoai mì HN1 kháng bệnh khảm lá vi rút

Kinh tế - Ngày đăng : 05:15, 09/01/2024

Cây khoai mì (sắn), được xem là loại cây giảm nghèo vì dễ canh tác, chịu hạn tốt và ít vốn đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là loại cây trồng thường gặp sâu bệnh, ảnh hưởng năng suất. Do đó, để hạn chế tác hại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá mì và tăng hiệu quả canh tác, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã thực hiện mô hình chọn lọc giống mì HN1 phục vụ sản xuất khoai mì trong tỉnh.

Tuyển chọn giống, dòng khoai mì triển vọng

Khoai mì là một trong những sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây. Với lợi thế cạnh tranh cao so với một số cây trồng khác nên diện tích trồng khoai mì ngày càng được mở rộng.

z5046777215059_813ee62364d8cb97e3ba1a1c43f689f7.jpg
Mô hình triển khai tại xã Sông Phan.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước có trên 511.000 ha, sản lượng 10,43 triệu tấn. Riêng tại Bình Thuận, năm 2023 tổng diện tích cây có bột này xấp xỉ 27.000 ha, trong đó diện tích cây khoai mì được nông dân các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình… chọn trồng diện tích khá lớn.

z5046778339875_06f96056af6c3f917df62cec18dda44e.jpg
Chủ hộ tham gia mô hình.

Lâu nay, khoai mì là cây trồng có nhiều lợi thế, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là bên cạnh việc suy thoái đất canh tác thì vấn đề dịch sâu - bệnh hại như chổi rồng, nhện đỏ, rệp sáp bột hồng, thối củ, bệnh khảm lá do vi rút cũng đang diễn ra nghiêm trọng, trong đó người trồng mì tại Bình Thuận cũng không ngoại lệ. Đáng lưu ý, bệnh hại không chỉ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng khoai mì ở một vụ mà còn lan từ vụ trước sang vụ sau, lây lan sang các vùng sản xuất khác qua nguồn giống và qua các môi giới truyền bệnh. Do đó, nhằm hạn chế những tác hại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá mì và tăng hiệu quả canh tác, trong năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã chọn lọc giống khoai mì HN1 phục vụ cho sản xuất trong tỉnh.

Theo đó, mô hình trình diễn sản xuất giống khoai mì HN1 với diện tích 1 ha được thực hiện tại hộ nông dân Đặng Quốc, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Mật độ trồng 12.400 cây/ha, từ tháng 6 - 12/2023.

Quá trình thực hiện, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh với sự phối hợp của Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Tân đã áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ. Đất được dọn sạch, cày bừa, cuốc hốc trồng sâu từ 3 – 5 cm. Canh tác mì nhờ nước trời, không áp dụng tưới bổ sung. Bệnh đốm nâu, bệnh cháy lá được theo dõi giai đoạn 4 tháng sau trồng…

z5046780854517_de31498d28c94876c34671852f385234.jpg
Giống NH1 cho năng suất cao.

Năng suất, ít sâu bệnh

Qua hơn 6 tháng trồng, kết quả thử nghiệm và đánh giá thực tế của chủ hộ trồng cho thấy giống khoai mì HN1 có năng suất củ tươi đạt 30,8 tấn/ha, với trọng lượng củ trung bình mỗi bụi 4,7 kg, năng suất thân lá 21 tấn/ha, độ tinh bột nhiều với hàm lượng 27,2%. Hiện nay, với giá bán ổn định là 2.500 đồng/kg, tổng thu nhập khoảng 77 triệu đồng/ha. Điều này đồng nghĩa giống mì HN1 không chỉ mang lại hiệu suất sinh lợi cao mà còn có tiềm năng kinh tế tích cực cho người trồng.

z5046779193252_94aa14410c4cf8cd82486ea5dea6c555.jpg
Cây khoai mì thực hiện tại mô hình.

Đặc biệt, giống HN1 còn có hệ số nhân giống vượt trội vì cây cao, thân thẳng hơn các giống truyền thống, mỗi thân cây có thể nhân được 17 hom mì trong khi các giống truyền thống chỉ được 10 - 12 hom. Giống mì HN1 thể hiện độ kháng bệnh tốt với mức độ nhiễm thấp đối với bệnh đốm nâu (2%) và bệnh cháy lá (2,5%). Đặc biệt, khả năng kháng được bệnh khảm lá, chống chịu đối với bệnh chổi rồng ổn định. Ngoài ra, giống này không có dấu hiệu nhiễm bệnh thối củ hoặc khảm lá do vi rút. Điều này làm cho giống mì HN1 trở thành lựa chọn tối ưu với khả năng sản xuất ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh hại.

Trước thực tế hiện nay bệnh khảm lá vi rút vẫn đang gây hại trên cây mì chung của tỉnh (thống kê tuần cuối của năm 2023 diện tích nhiễm 72 ha, tỷ lệ bệnh 10 - 20%. Bệnh phát sinh và gây hại trên cây mì tại huyện Hàm Tân, La Gi, Bắc Bình. Bệnh khảm lá vi rút hại mì được xác định là đối tượng dịch hại chính, ngày càng phát triển về diện tích, nguyên nhân do chưa chủ động và kiểm soát được nguồn giống sạch bệnh…

Theo ông Đỗ Văn Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, dựa trên hiệu quả kinh tế tích cực từ mô hình, nông dân có thể xem xét mở rộng diện tích sản xuất giống khoai mì HN1 để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, bà con vẫn cần duy trì các biện pháp quản lý bệnh hại để bảo vệ và nâng cao hiệu quả. Chi cục cũng đề nghị UBND các xã, thị trấn tiếp tục xây dựng kế hoạch và có sự hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp tục thực hiện mô hình “canh tác giống khoai mì HN1 kháng bệnh khảm lá vi rút” các mùa vụ sản xuất trong thời gian tới.

Kiều Hằng