Phát triển văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách
Du lịch - Ngày đăng : 09:30, 08/01/2024
Khi nhóm sản phẩm gắn với văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí đã và đang được khai thác thì nhóm sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật vẫn thiếu sự chú trọng đầu tư. Chính vì thế cần phải có các chương trình nghệ thuật, show diễn về đêm có chất lượng, chiều sâu về văn hóa, vì văn hóa là linh hồn của các sản phẩm du lịch và là sự khác biệt mà du khách luôn hướng tới. Ngoài lợi thế phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, tham quan danh lam thắng cảnh, ngành du lịch Bình Thuận còn quan tâm khai thác tiềm năng, phát huy giá trị các di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nhất là những di tích kiến trúc lịch sử và văn hóa lễ hội dân gian để thu hút du khách.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 70 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 28 di tích, danh thắng quốc gia và 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, các lễ hội văn hóa dân gian được khôi phục và tổ chức hàng năm theo đúng nghi thức, tập tục, bảo đảm các yếu tố văn hóa dân gian lành mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh, tín nguỡng của cộng đồng các dân tộc. Nhiều di tích và lễ hội đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, góp phần giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển Bình Thuận. Không chỉ tạo thế mạnh cho ngành du lịch, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã nhanh chóng đưa đời sống văn hóa đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ vững và phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các điểm đến đã hình thành nên sản phẩm du lịch văn hóa, tìm hiểu di tích, di sản văn hóa phi vật thể có thể nhắc tới đó là Trường Dục Thanh - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dừng chân dạy học, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, tháp Chăm Pô Sah Inư, Vạn Thủy Tú, dinh Thầy Thím, chùa Cổ Thạch... Các lễ hội văn hóa đặc trưng mang tầm quốc gia như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, lễ hội Dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi, lễ hội Nghinh Ông của cộng đồng người Hoa, TP. Phan Thiết, lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có các làng nghề thủ công truyền thống như làm gốm gọ, dệt thổ cẩm, đan lát, làm bánh tráng, sản xuất nước mắm. Đây còn là địa phương có nhiều món ăn đặc sắc gắn với đời sống người dân vùng biển, những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, đang ngày càng được nhiều du khách biết tới như lẩu thả, gỏi cá mai, chả cuốn cá trích, mực một nắng, bánh rế, các món ăn, nước uống được chế biến từ thanh long. Đối với việc phát triển nghệ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế đêm Bình Thuận cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Trong Lễ Bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận Hội tụ xanh” diễn ra vào tối ngày 27/12/2023 vừa qua. Một chương trình nghệ thuật đã được hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài tỉnh trình diễn. Với nội dung nghệ thuật đặc sắc và ấn tượng, mang đậm truyền thống và văn hóa Bình Thuận – Duyên hải Nam Trung bộ. Tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật vào dịp cuối năm, góp phần phục vụ nhu cầu thưởng lãm văn hóa – nghệ thuật của nhân dân và du khách gần xa. Nhằm kỷ niệm Ngày Du lịch Bình Thuận hàng năm vào ngày 24/10, tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, qua đó giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch Bình Thuận an toàn, thân thiện và chất lượng để thu hút du khách.
Với mong muốn tạo thêm sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhân dân và khách du lịch ngoài các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm và ẩm thực trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ phát triển kinh tế đêm, trong đó không thể thiếu các chương trình nghệ thuật gắn với các sự kiện để phục vụ du khách…