Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án và giải ngân vốn ngay từ đầu năm 2024

Kinh tế - Ngày đăng : 19:28, 09/01/2024

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND tỉnh diễn ra vào ngày 9/1.

UBND tỉnh cho biết, nhìn lại năm 2023, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh có xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá, quốc phòng an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, trong năm 2023 vẫn còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được như kỳ vọng, còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục triệt để.

z5054630635420_a7961d7c677487ed78856d8d5ca09a90.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chỉ đạo tại hội nghị (ảnh K.H)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh, bước vào năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đà bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình trong nước, trong tỉnh 2024 có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần hết sức nỗ lực, cố gắng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024.

z4849158386179_f9791f745bb422a5953f367f27b8d451.jpg
Một góc khu du lịch tại Hàm Tiến, TP. Phan Thiết (ảnh N.Lân)

Cụ thể, đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các địa phương và các chủ đầu tư phải xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95% trong năm nay. Trong đó lưu ý làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; chủ động chuẩn bị các thủ tục, điều kiện để sẵn sàng triển khai dự án và giải ngân ngay sau khi được giao vốn, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc. Đồng thời thực hiện nghiêm việc cắt giảm vốn các dự án không có khả năng triển khai, tránh trường hợp đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án nhưng không giải ngân được như năm 2023.

z4849054940578_9fa46b5f0f4ff68226bb8d7d83712f05.jpg
Thi công kè Cà Ty (ảnh N.Lân)

Riêng 3 ban quản lý dự án của tỉnh gồm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông, Ban QLDA ĐTXD các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban QLDA ĐTXD các công trình Công nghiệp và Dân dụng được giao vốn lớn (chiếm gần 1/2 tổng vốn đầu tư công của cả tỉnh). Kết quả giải ngân của 3 Ban QLDA có tính chất quyết định tỷ lệ giải ngân của cả tỉnh. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị 3 đơn vị phải phát huy cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án và giải ngân vốn ngay trong đầu năm 2024. Đối với nguồn vốn 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG), yêu cầu 3 cơ quan chủ quản là Sở Nông nghiệp và PTNT, Lao động – Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai kịp thời để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân vốn.

z4708969063634_b50f1a48eb8dd994620be2611f8fa6e4.jpg
Đất sản xuất nông nghiệp tại Bình Thuận (ảnh N.Lân)

Đối với lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành và địa phương phải coi việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai là nhiệm vụ cấp bách hiện nay để tập trung giải quyết trên nguyên tắc: Vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm. Đồng thời, tranh thủ tối đa hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương và tổ công tác của Thủ tướng để tháo gỡ cho các dự án. Phải khẩn trương xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất các dự án đã giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện cho các dự án triển khai các thủ tục pháp lý tiếp theo. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xác định cho được giá đất cụ thể của 46 dự án tồn tại nhiều năm nay.

z5054630835448_c2dde9dd845a383a9b86f2d3f2869236.jpg
Toàn cảnh hội nghị (ảnh K.H)

Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, hiện nay các dự án vướng mắc chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến dự án không thể triển khai, chậm trễ kéo dài. Do đó đề nghị các địa phương quyết liệt, linh hoạt, chủ động hơn nữa trong công tác này để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công dự án…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, phấn đấu thu vượt dự toán được giao trong năm 2024 và cao hơn so với năm 2023. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Tập trung thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học. Chuẩn bị chu đáo để việc tổ chức diễn tập phòng thủ tỉnh năm 2024 đạt kết quả tốt. Kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh ngay tại cơ sở, không để phức tạp, tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự; đặc biệt cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực; kịp thời đề xuất sửa đổi những quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng...

Có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Đây cũng là chủ đề năm 2024 để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Song song, khuyến khích, động viên và bảo vệ cán bộ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để tạo ra khí thế, động lực và quyết tâm mới trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kiều Hằng