Sớm phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã

Kinh tế - Ngày đăng : 05:03, 10/01/2024

Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (HTX) hiện là một kênh tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ tích cực cho nhiều HTX và thành viên vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, tăng số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành trong đó có Bình Thuận đang gặp phải những khó khăn trong hướng dẫn thành lập, hoạt động, tổ chức của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, vì thế chưa phát huy hết vai trò tiếp sức cho khu vực kinh tế tập thể.

Lợi ích của việc thành lập quỹ

Thời gian qua, hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần thúc đẩy quá trình thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, mở rộng sản xuất và tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, giúp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể và đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.

z4385693815710_6d5bc840af6e287184609e0194d52c1d.jpg
Khi có quỹ sẽ giúp thành viên mở rộng sản xuất và tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị thị trường.

Trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 có hiệu lực thi hành, ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cả nước có 50 tỉnh, thành đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Tính đến 30/9/2023, quỹ Trung ương có 1.000 tỷ đồng; tổng vốn hoạt động của 50 quỹ địa phương là 2.596 tỷ đồng, trong đó vốn được ngân sách cấp là 1.055 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động và vốn khác là 1.541 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, các quỹ địa phương đã cho vay tổng số tiền là 22.300 tỷ đồng, trong đó cho vay 11.500 lượt HTX. Dư nợ đến hết năm 2023 đạt 2.050 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động của các Quỹ còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa theo khuôn khổ pháp lý đồng bộ; cơ chế cho vay còn bó hẹp về phạm vi, đối tượng, phương thức; chưa huy động được các nguồn lực từ thị trường và liên kết hệ thống Quỹ. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Từ đó đến nay, việc sắp xếp lại tổ chức hoạt động của các quỹ đã thành lập và thành lập mới ở các tỉnh, thành phố đang rất chậm. Trong 50 tỉnh, thành phố đã thành lập quỹ, đến nay mới có 11 đơn vị có quyết định điều chỉnh quyết định thành lập của UBND cấp tỉnh hoặc giải thể để thành lập quỹ theo Nghị định; 39 tỉnh, thành phố chưa tổ chức sắp xếp lại hoạt động của quỹ theo quy định; trong đó, có 34 tỉnh, thành phố đã có chủ trương rà soát, tổ chức sắp xếp lại; 5 tỉnh chưa có chủ trương. Trong 13 tỉnh, thành phố chưa thành lập quỹ trước thời điểm Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay chỉ mới có 1 tỉnh đã thành lập quỹ là Thừa Thiên Huế; 12 tỉnh, thành phố còn lại chưa thành lập quỹ, trong đó có Bình Thuận.

z4801437312247_bca4ed4b732fbccdd123284b16bc5d83.jpg
Việc thành lập quỹ ở Bình Thuân còn nhiều vướng mắc.

Còn vướng mắc

Theo Liên minh HTX tỉnh, nguyên nhân đến nay Quỹ vẫn chưa ra đời, do nguồn kinh phí để vận hành Quỹ chưa có. Nếu theo Nghị định 159/2020 thì Quỹ ra đời công tác nhân sự phải đi thuê và nguồn vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng sẽ không đủ kinh phí trả lương và trang bị cơ sở vật chất. Đồng thời, bộ máy mới chưa am hiểu về mô hình kinh tế hợp tác nên sẽ không đúng với chủ trương của Quỹ hỗ trợ và sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai, Liên minh HTX đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát báo cáo UBND tỉnh cụ thể trình tự, các bước theo quy định của pháp luật hiện hành về quy trình thành lập mới Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mặc dù Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện các bước dự thảo Đề án, nhưng đến nay Quỹ vẫn còn nằm trên giấy, do còn nhiều vướng mắc.

z4385702184889_9fbde0bb5732053ae30c3f8ed9130a3b.jpg
Đề nghị các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong các khâu để thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ.

Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định số 45” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều địa phương cũng cho rằng, khối lượng công việc triển khai theo yêu cầu tại Nghị định số 45 là rất lớn, trong khi nhân sự các Quỹ còn thiếu kinh nghiệm trong xây dựng văn bản pháp lý. Ở một số địa phương, các sở, ngành được giao chủ trì chưa thực sự vào cuộc, có tâm lý chờ đợi đến khi đa số các tỉnh chuyển đổi thì mới chuyển đổi. Nhiều tỉnh, thành do ngân sách khó khăn, chưa thể bố trí vốn nên chưa cho chủ trương hoặc chờ bố trí được ngân sách mới cho chuyển đổi. Đối với các quỹ có vốn điều lệ ở mức tối thiểu 20 tỷ đồng khó có thể đảm bảo kinh phí hoạt động, nên các sở, ngành còn băn khoăn khi đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là một nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, triển khai. Nghị định 45 có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh và hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ. Vì vậy, các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong các khâu để thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ; tham mưu cấp ủy, chính quyền bổ sung đủ vốn điều lệ cho quỹ hoạt động. Liên minh HTX Việt Nam với tư cách là đại diện cho HTX sẽ ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, đồng thời yêu cầu đại diện các bộ, ban, ngành liên quan cùng các địa phương mạnh dạn đóng góp để tìm ra các phương án tiếp tục triển khai có hiệu quả trong thực tế.

Minh Vân