Phan Thiết: Bệnh thủy đậu có chiều hướng tăng
Y tế - Ngày đăng : 05:32, 10/01/2024
Chị Trần Thị Thanh Thúy (Phan Thiết) chia sẻ: “Con chị học cấp 2, bị nổi bóng nước khắp người. Bác sĩ chẩn đoán bệnh thủy đậu. Cháu phải nghỉ học 1 tuần nhằm tránh lây bệnh cho bạn cùng lớp”. Đây là trường hợp đơn cử trong nhiều trường hợp khác mắc bệnh thủy đậu ở Phan Thiết.
Năm 2023, Phan Thiết ghi nhận 173 ca bệnh thủy đậu, tăng 149 ca so với cùng kỳ 2022 (24 ca); không có ca tử vong. Riêng tháng 12/2023, Phan Thiết có 15 ca mắc bệnh này. Mặc dù số ca bệnh thủy đậu năm 2023 tăng cao rất nhiều so với năm 2022, nhưng số ca mắc nằm rải rác trong cộng đồng. Bệnh thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm, có thể mắc ở cả người lớn và trẻ em nếu không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Đó là thông tin của Trung tâm Y tế Phan Thiết.
Bác sĩ Trần Như Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Phan Thiết cho biết: Số ca mắc bệnh thủy đậu tăng, giảm tùy theo thời tiết thay đổi. Độ ẩm cao làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh tốt. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân. Dù bệnh thủy đậu dễ lây, nhưng bệnh này có thể phòng ngừa hiệu quả khi tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo bác sĩ Thành, khi mắc bệnh thủy đậu, người dân tuyệt đối không dùng thuốc đắp, thuốc uống không rõ nguồn gốc, không tự mua thuốc giảm ngứa để uống hoặc bôi. Điều này có nguy cơ nhiễm trùng cao, dễ để lại nhiều sẹo, thậm chí làm bệnh bùng phát nặng hơn. Bệnh này có vắc xin phòng bệnh, nhưng ở hình thức tiêm dịch vụ.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp. Đó là tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Với lịch tiêm, trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi có lịch tiêm 2 mũi gồm mũi 1 lần tiêm đầu tiên, mũi 2 thì 3 tháng sau mũi 1 (ưu tiên) hoặc hẹn mũi 2 lúc trẻ 4 - 6 tuổi. Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn có lịch tiêm 2 mũi gồm mũi 1 lần tiêm đầu tiên, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Thêm vào đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.