Hút khách du lịch khi có sân bay Phan Thiết

Du lịch - Ngày đăng : 14:50, 10/01/2024

BTO-Khi sân bay Phan Thiết hoàn thành đưa vào sử dụng, cùng với tuyến đường cao tốc, du khách từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết chỉ còn 2 giờ di chuyển. Đây là dự án hạ tầng giao thông lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nói chung, du lịch nói riêng của tỉnh Bình Thuận.

Đối với việc phát triển du lịch ở Việt Nam nói chung nhìn từ góc độ vận chuyển hành khách quốc tế qua đường hàng không, theo số liệu thống kê tính đến tháng 9 năm 2023, tổng lượng hành khách vận chuyển trên các đường bay quốc tế đi, đến Việt Nam đạt xấp xỉ 23,4 triệu khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Số liệu trên cho thấy, thị trường vận chuyển hành khách quốc tế đang dần hồi phục với hơn 61 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác cùng với trên 147 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 6 điểm của Việt Nam. Theo Lịch bay mùa đông năm 2023 (từ 29/10/2023 đến 30/3/2024), các hãng hàng không trong nước và quốc tế đều đã xây dựng kế hoạch khai thác gắn với các thị trường khách du lịch.

du-khach.jpg

Ngoài các điểm đến là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các điểm đến là các địa chỉ du lịch nổi tiếng như: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các thị trường khách du lịch trọng điểm quốc tế với các hãng hàng không khai thác. Xác định thị trường du lịch trọng điểm, Việt Nam đã ký 67 Hiệp định hàng không song phương và 9 thỏa thuận hàng không đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các Hiệp định đã tạo các cơ sở pháp lý đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác các đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam. Hiện nay, khi các thị trường du lịch trọng điểm đã được mở lại để đón khách du lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, đặc biệt là các thị trường du lịch mới nổi như Ấn Độ, Úc, các hãng hàng không Việt Nam đã từng bước tăng tần suất khai thác đến các thị trường nêu trên, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Sân bay Phan Thiết được kỳ vọng đón trên 2 triệu khách mỗi năm theo công suất thiết kế. Bên cạnh đó, sân bay Phan Thiết được tiến hành đồng bộ với hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông khác kết nối liên vùng đó là tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết – Nha Trang. 

Khác với các địa danh du lịch nổi tiếng như: Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng… du lịch Bình Thuận vẫn còn nhiều vẻ đẹp chưa được khám phá. Triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông, logistics là cơ hội để du lịch của tỉnh cất cánh. Từ thực tế trên cho thấy, khi thời gian di chuyển đến Bình Thuận được rút ngắn, khách du lịch đến với Bình Thuận sẽ tăng cao hơn. Minh chứng cho điều này đó là khi có tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Phan Thiết đưa vào sử dụng lượng khách đến Bình Thuận năm 2023 tăng gần gấp đôi năm 2022. Đặc biệt, lượng khách du lịch đến tỉnh tập trung rất đông vào các ngày nghỉ lễ. Các khách sạn 1 đến 2 sao và tương đương đạt công suất phòng khoảng 80-90%; các resort 3 đến 5 sao và tương đương công suất phòng đạt xấp xỉ 95 đến 100%.

dk-3.jpg

Với việc đường cao tốc đưa vào hoạt động, rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Thuận, dự báo thời gian tới du lịch Bình Thuận sẽ đón lượng khách du lịch tăng cao hơn nữa. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công của sân bay Phan Thiết, du lịch Bình Thuận sẽ bước vào giai đoạn mới khi đón nhận thêm nhiều du khách quốc tế từ đường hàng không, thay vì tuyến đường bộ phổ biến hiện nay. Theo khảo sát về du lịch Phan Thiết với nhóm du khách nước ngoài, có 35,5% đánh giá phương tiện di chuyển là tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn điểm đến, xếp sau trong mức độ hấp dẫn, điểm đến an toàn và giá trị đồng tiền. Về mặt hạ tầng, tỉnh Bình Thuận cũng đang tập trung vào chiến lược phát triển hạ tầng để nâng công suất đón du khách, bao gồm cả du khách quốc tế và nội địa. Bên cạnh sân bay Phan Thiết còn có sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường liên kết nội khu Bình Thuận và liên vùng đã và đang đầu tư triển khai. Hình thái tứ giác du lịch giữa Nha Trang – Phan Thiết – Đà Lạt – thành phố Hồ Chí Minh đang dần hình thành rõ hơn.

Thực tế cho thấy đã có nhiều lãnh đạo, chuyên gia phân tích về lợi thế khác biệt, cơ hội của Bình Thuận khi tỉnh có đầy đủ loại hình giao thông, từ đường bộ, đường sắt, tuyến hàng hải và sắp tới sẽ là hàng không. Do đó, sân bay Phan Thiết đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội – du lịch của Bình Thuận.

PHAN LIÊN, ảnh: N.Lân