Nguồn lợi thủy sản Bình Thuận bị cạn kiệt, do đâu?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:25, 11/01/2024
Khai thác quá mức
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản là do khai thác quá mức trong thời gian dài, sự suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái gần bờ (rạn san hô, rừng ngập mặn, tảo biển… bị chết). Không chỉ vậy, một số người còn sử dụng các ngư cụ và hình thức đánh bắt trái phép, bị cấm như nghề lưới kéo, nghề lồng xếp, nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào nhuyễn thể, banh lông) tại vùng ven bờ và vùng nước nội địa, sử dụng lưới có mắt quá nhỏ. Thậm chí, một số người còn sử dụng thuốc nổ, đèn pha công suất lớn, kích điện, te điện, thuốc độc xyanua để đánh bắt hải sản. Ngoài ra, nhiều loài thủy sản bị đánh bắt vào mùa chúng đẻ trứng, trứng nở ra con non nên tận diệt các thế hệ thủy sản mới. Thực tế cho thấy, chỉ cần đi dọc biển ven bờ ở các địa phương có biển, ai cũng dễ dàng thấy ngư dân đang khai thác những loài hải sản khi chúng còn rất nhỏ, như cua, ghẹ, tôm bé tẹo chỉ nhỏ bằng đồng xu, con cá thu, cá hố chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, nhiều loại sò ốc không có cơ hội lớn.
Toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên với tổng công suất khoảng 1,35 triệu CV, trong đó số lượng tàu cá có chiều dài dưới 6 m của tỉnh khá lớn với 5.217 chiếc, tập trung̣ nhiều tại khu vực bãi ngang, hoạt động gần bờ. Mặt khác, những năm qua, ngư dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản, kinh tế khó khăn chưa có khả năng đóng tàu lớn để vươn khơi xa. Việc gia tăng tốc độ khai thác như hiện nay, đặc biệt là sự mất cân đối giữa 2 lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ, chính là mối lo trong tương lai khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ của tỉnh, nhất là các nhóm cá nổi, cá tầng đáy sẽ vĩnh viễn biến mất. Ngoài ra, quá trình phát triển, đô thị hóa xây dựng các công trình ven biển, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các ngành khác: công nghiệp, du lịch, san lấp mặt bằng, lấn biển, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản... cũng góp phần làm ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống của các loài thủy sản. Từ đó, nguồn lợi thủy sản vốn đã cạn kiệt, ngày càng trở nên cạn kiệt hơn, một số loài thủy sản có nguy cơ bị tuyệt chủng...
Những con số đáng báo động
Trong chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" do UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tại tỉnh mới đây, PGS.TS Vũ Thanh Ca - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chia sẻ những con số đáng báo động. Ông cho biết: "Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong thời gian từ 1995 - 2020, tổng sản lượng thủy sản Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 8%/năm. Năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đánh bắt ở nước ta là 3,85 triệu tấn; trong đó hơn 3,64 triệu tấn là lượng hải sản đánh bắt từ biển. Đây là lượng hải sản được đánh bắt rất lớn so với khả năng khai thác tiềm năng của biển Việt Nam. Theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, lượng hải sản có tiềm năng khai thác hàng năm ở vùng biển Việt Nam chỉ từ 2,27 triệu tấn/năm tới 2,63 triệu tấn/năm. Như vậy, lượng hải sản đánh bắt ở vùng biển Việt Nam hiện nay đang ở mức lớn gấp gần 1,5 lần lượng hải sản có thể đánh bắt. Việc đánh bắt quá mức khiến nguồn lợi thủy sản trong nước cạn kiệt. Cũng theo cơ quan này, năm 1991, năng suất khai thác thủy sản Việt Nam là 1,1 tấn/CV/năm, tới năm 2010 giảm còn 0,37 tấn/CV/năm, và tới năm 2020 còn có 0,26 tấn/CV/năm. Chi phí cho một chuyến đánh bắt vào năm 2019 tăng từ 3,8 - 4,3 lần so với năm 2010, trong khi thu, nhập từ một chuyến đánh bắt chi tăng từ 2,4 - 2,6 lần".
Qua đó, PGS.TS Vũ Thanh Ca phân tích thêm, bên cạnh việc khai thác quá mức như hiện nay, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa cũng cực kỳ nguy hiểm và tác động không nhỏ đến nguồn lợi thủy sản của Bình Thuận. Ngoài ra, do nước thải sinh hoạt chưa được xử lý được tự do xả ra biển, khiến vùng biển trong tỉnh cũng bị ô nhiễm chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, lượng chất dinh dưỡng do các sông tải ra biển cùng với lượng chất dinh dưỡng do hệ thống nước trồi ngoài khơi, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ gây ra sự bùng phát của nhiều loài tảo độc, tạo ra hiện tượng thủy triều đỏ. Hiện tượng này, cùng với ô nhiễm rác thải nhựa sẽ tác động rất xấu đến các hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Thủy triều đỏ đôi khi cũng gây ra chết thủy sản nuôi biển của tỉnh, gây thiệt hại kinh tế rất đáng kể.
Trước tình trạng này, để hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, thực sự là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách về vốn nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dựng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cũng như công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến các tầng lớp nhân dân...
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với kinh nghiệm khai thác, sản xuất được tích lũy bao đời nay của ngư dân và định hướng phát triển đúng đắn, hy vọng tình trạng suy giảm nguồn lợi từ biển sẽ từng bước được khắc phục.