Hành động đẹp của công an một thành phố du lịch
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:01, 12/01/2024
Do lượng khán giả đông đảo, nên sau khi người dân ra về, lượng rác thải để lại xung quanh khu vực biển Ocean Dunes khá lớn. Công an TP. Phan Thiết đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (là những người vừa làm xong nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho chương trình chào năm mới) ở lại tiến hành dọn vệ sinh. Toàn bộ rác thải người dân để lại đã được thu dọn sạch sẽ. Nhiều bạn trẻ tình nguyện ở lại cùng nhặt rác với lực lượng công an. Việc làm này tuy không to tát gì, nhưng hình ảnh những chiến sĩ công an đi nhặt rác sau thời khắc đón năm mới ở TP. Phan Thiết đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ dư luận, góp phần tuyên truyền người dân và du khách có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. UBND tỉnh đã gửi thư khen ngợi hành động đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Phan Thiết.
Cũng nói thêm rằng, không chỉ riêng ở TP. Phan Thiết, mà sau lễ hội Countdown chào đón năm mới 2024 vừa rồi, có nhiều quảng trường bỗng biến thành bãi rác, nhiều con đường, tuyến phố trung tâm ở các đô thị lớn tràn ngập đủ loại rác thải: ly nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, bọc ni lon… Rác vương vãi cả trên thảm cỏ, luống hoa công viên. Đêm giao thừa, những công nhân vệ sinh phải miệt mài dọn rác từ nửa đêm tới sáng. Tình trạng rác ngập nơi công cộng sau các lễ hội, pháo hoa giao thừa, vẫn là chuyện buồn, nhức nhối, chưa có hồi kết ở nước ta.
Năm vừa qua, để tổ chức thành công năm du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Bình Thuận đã chọn chủ đề hành động là “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp”. Theo đó đã tiến hành nhiều đợt ra quân, huy động đông đảo cán bộ, chiến sĩ, học sinh-sinh viên, nhân dân tham gia thu dọn rác thải, làm sạch, đẹp phố phường, bãi biển, khu dân cư. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đều về cơ sở tham gia cùng dân thu gom rác thải trong những “Ngày chủ nhật xanh”. Nhờ đó cảnh quan, môi trường sạch, đẹp hơn, nạn xả rác bừa bãi đã đỡ hơn xưa. Tuy nhiên, không thể thay đổi hẳn ý thức, nhận thức, hành vi của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường chỉ trong “một sớm một chiều”. Xả rác bừa bãi nơi công cộng (hoặc đổ rác không đúng nơi quy định) là thói xấu khó bỏ của rất nhiều người, bất chấp những quy định xử phạt nghiêm hành vi này, bất chấp chính quyền lắp camera giám sát và giáo dục, tuyên truyền đủ cả. Rõ ràng, muốn xanh, sạch, đẹp, chỉ giáo dục, tuyên truyền là chưa đủ.
Dư luận xã hội cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức chưa mang lại kết quả, còn xử phạt lại chưa làm được, nên khó chấm dứt nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng ở Việt Nam. Nhiều ý kiến so sánh với việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm 15 năm trước, hay xử lý vi phạm nồng độ cồn hiện nay, và mong muốn: nếu xử lý nạn xả rác bừa bãi nơi công cộng cũng quyết liệt, phạt nặng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ” như xử lý vi phạm nồng độ cồn, thì chắc chắn có chuyển biến.
Được biết, từ ngày 1/1/2025, các hộ gia đình, cá nhân nếu không phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nhà, sẽ bị phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.