“Thổi hồn” vào vỏ ốc biển

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:12, 12/01/2024

Sở hữu 1 quầy hàng lưu niệm tại khu du lịch cộng đồng Cam Bình, nên thời điểm này, anh Trần Văn Thắng ngụ tại thôn Phước Hải, xã Tân Phước, thị xã La Gi đang tất bật làm ra những món đồ thủ công ốc mỹ nghệ để kịp phục vụ thị trường du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Sinh năm 1988, nhưng anh Trần Văn Thắng đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề làm đồ thủ công ốc mỹ nghệ. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, anh Thắng tâm sự do nhà gần biển, thường xuyên nhìn thấy những vỏ ốc đẹp, nếu bỏ đi thì tiếc quá, làm sao biến chúng thành những món đồ mỹ nghệ thì hay biết mấy, thế là hơn 10 năm trước anh quyết tâm đến Bà Rịa – Vũng Tàu để học nghề làm đồ thủ công ốc mỹ nghệ. Và từ đó, anh Thắng đã “thổi hồn” cho không biết bao nhiêu vỏ ốc biển tưởng chừng như vô tri ấy trở thành những “tác phẩm” ốc thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo và “có hồn”.

Một số “tác phẩm” ốc mỹ nghệ được hoàn chỉnh qua đôi bàn tay khéo léo của anh Trần Văn Thắng

Với sự linh hoạt, nhạy bén và khiếu thẩm mỹ cao, anh Thắng nhìn thấy được vẻ đẹp của từng vỏ ốc lớn, nhỏ khác nhau từ màu sắc, góc cạnh, độ sần sùi… và cách thức kết hợp làm sao để chúng “hòa điệu” cùng nhau tạo nên những sản phẩm độc đáo. Những vỏ ốc biển tưởng chừng như sẽ bị bỏ đi nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của mình, anh Thắng đã “thổi hồn” cho chúng thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo mang hình dáng của thuyền buồm, cây dừa, đèn ngủ… Tuy nhiên để tạo ra được một sản phẩm ốc mỹ nghệ hoàn chỉnh, thực sự không phải là điều dễ dàng, vì người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Làm sạch, đánh bóng, cắt, lắp ráp theo mẫu, phun keo thành phẩm. Mỗi khâu đều cần sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận của người thợ.

Anh Thắng bộch bạch: “Để làm ra một sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ ốc quan trọng là những ý tưởng và sự sáng tạo thật độc đáo, mới lạ, có như vậy sản phẩm làm ra mới được khách hàng đón nhận, chính vì thế, tôi luôn trăn trở để sáng tạo ra những mẫu mã mới thu hút khách hàng”.

Anh Trần Văn Thắng bên quầy hàng lưu niệm của gia đình

Theo anh Thắng, tùy thuộc vào sở thích, trí tưởng tượng hay cảm xúc và dựa vào hình dạng đặc thù, màu sắc tự nhiên của vỏ ốc mà người thợ sẽ làm ra các sản phẩm khác nhau. Nhiều mẫu khách hàng chọn lựa và đặt làm theo yêu cầu của họ. Nhưng cho dù có làm bất cứ tác phẩm nào, hình dáng ra sao thì người thợ cũng phải tỉ mỉ, sáng tạo để làm nên những “tác phẩm” lạ, đặc sắc… nhưng vẫn giữ được màu sắc, vân tự nhiên của vỏ ốc.

Được biết, mỗi tháng như vậy anh Thắng có thể ra hàng trăm “tác phẩm” thủ công ốc mỹ nghệ với giá bán cho mỗi sản phẩm là từ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng. Sau khi trừ các chi phí bỏ ra thì lợi nhuận mỗi tháng anh Thắng thu được là từ 15 đến 20 triệu đồng.

Anh Thắng sưu tầm thêm nhiều vỏ ốc đẹp để bán như: Ốc Kim Khôi, ốc Giai trắng, ốc Thồ Và Bông.

Hiện nay, những sản phẩm ốc mỹ nghệ bán khá chạy, đặc biệt là phục vụ cho thị trường du lịch. Thêm một điều thuận lợi là gia đình Trần Văn Thắng có sở hữu một quầy bán hàng lưu niệm tại khu du lịch cộng đồng Cam Bình, nên sau khi hoàn thiện các “tác phẩm” mỹ nghệ từ vỏ ốc, các sản phẩm này được đem ra quầy hàng lưu niệm của anh trưng bày thì được tiêu thụ khá nhanh bởi khách du lịch từ mọi miền đất nước đến tham quan, nghỉ dưỡng rất thích thú trước những sản phẩm độc đáo được làm từ những con ốc biển vì chất liệu lạ, đẹp mắt, kiểu dáng đa dạng, đủ kích cỡ… Chính vì thế rất nhiều du khách đã mua chúng về để làm đồ lưu niệm hoặc biếu, tặng cho người thân, bạn bè.

Ngoài sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, anh Thắng còn sưu tập nhiều vỏ ốc đẹp, hiếm, xử lý cho lên màu để bán như vỏ ốc Thồ Và Bông, ốc Kim Khôi, ốc Gai trắng. Theo như anh Thắng chia sẻ thì những vỏ ốc này có giá trị từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng nhưng vẫn được khách hàng rất ưa chuộng.

RẠNG ĐÔNG