Chuối hột Đồng Kho

Đời sống - Ngày đăng : 05:13, 12/01/2024

Không mang trên mình một thương hiệu chính thống nhưng qua thời gian, sản phẩm chuối hột rừng khô của người dân xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh đã dần trở thành đặc sản khá nổi tiếng của các vị khách hành hương khi đến Đức Mẹ - Tà Pao.

Trong căn nhà cấp 4, tọa lạc bên quốc lộ 55, đoạn qua thôn 2, xã Đồng Kho cả người lớn và trẻ con hòa lẫn tiếng nói, tiếng cười rôm rả; các đôi tay thoăn thoắt bóc vỏ từng trái chuối hột rừng chín vàng, tỏa hương thơm cho vào những cái sọt để đem phơi nắng. Bà Trần Thị Hồng vui vẻ chia sẻ: Khoảng 10 năm nay bà chuyên mua, bán chuối hột rừng khô. Chuối hột rừng được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã La Ngâu, Đức Bình chặt ở núi cao đem về bán. Chuối đem về chủ yếu là chuối già, ít có chuối đã chín sẵn trên cây. Sau đó bỏ chuối vào bạt ni lon ủ kín (không dùng hóa chất) chừng 3-4 ngày chuối sẽ chín vàng rồi mới đem lột vỏ, phơi khô nên vẫn giữ được hương vị đặc trưng của chuối rừng. Cứ 100 kg chuối tươi, lột bỏ vỏ, phơi từ 5 – 6 nắng to được 15 kg chuối khô, giá bán hiện nay 50.000 đồng/kg. Mỗi ngày bà Hồng mua từ 300 – 400 kg chuối tươi, với giá 4.000 đồng/kg. Người mua chuối hột rừng khô chủ yếu là khách hành hương ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến với Đức Mẹ - Tà Pao. Nhiều khách hành hương thấy chuối hột rừng khô chất lượng, hiệu quả nên sau khi về nhà đã gọi điện đặt hàng với số lượng nhiều hơn. Tuy lợi nhuận từ mua bán chuối hột rừng khô không nhiều, nhưng nó vừa là nguồn thu nhập cho gia đình, vừa giải quyết công việc cho một số lao động nhàn rỗi ở trong thôn, bà Hồng cho hay.

boc-vo-chuoi.jpg

Chị Nguyễn Thị Hoa cùng với người con trai học lớp 6 đang tích cực bóc vỏ chuối thuê cho biết: Do có con nhỏ không thể ra ngoài làm việc khác được nên nhận bóc chuối thuê. Còn đứa con trai cũng tham gia bóc chuối là do hôm nay chủ nhật không học nên theo mẹ làm kiếm tiền ăn quà vặt. Bóc vỏ chuối không bắt buộc phải làm ngày 8 giờ như các lao động khác mà mình tranh thủ được thời gian nào thì làm thời gian đó. Công việc nhẹ nhàng, ở trong mát, bình quân mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng cũng có nguồn thu chi tiêu hàng ngày.

dong-goi-chuoi-hot.jpg

Thời điểm về chiều cũng là lúc những người chặt chuối rừng đem về bán cho các chủ thu mua ở thôn 2, xã Đồng Kho. Anh Mang Min, thôn 4, xã Đức Bình vừa cân bán được gần 100 kg chuối hột rừng tươi cười cho biết: Trước đây chuối hột rừng nhiều đi gần, còn bây giờ cũng ít dần nên phải đi xa hơn. Chuối rừng có mặt chủ yếu ở các khe suối và những nơi ẩm thấp. Không như chuối nhà, buồng chuối hột rừng chỉ có từ 5-6 nải, mỗi nải tầm khoảng 10 trái chuối nhỏ. So với công việc đi chặt tre, hái nấm, lấy măng… thì chặt chuối hột rừng đỡ vất vả hơn. Ngày nào đi chặt chuối cũng kiếm được trên dưới 300.000 đồng. Số tiền này cũng đủ để mua gạo, cá khô và nhiều thứ khác cho gia đình. Lâu lâu mình và bà con cũng để lại một vài buồng đem về phơi khô ngâm rượu uống cho đỡ mệt mỏi và chữa bệnh nữa, ông Min cho biết như thế.

Dọc theo tuyến quốc lộ 55, đoạn từ ngã ba cầu Tà Pao đến khu vực Đức Mẹ - Tà Pao khoảng vài trăm mét nhưng có cả chục hộ mua, bán chuối hột rừng. Chuối hột rừng khô bán chạy nhất vào thời điểm từ ngày 11-13 hàng tháng là thời điểm nhiều đoàn khách hành hương ở nhiều tỉnh, thành đến Đức Mẹ - Tà Pao để tín ngưỡng tâm linh. Nhiều khách hành hương khi về thường mua ít chuối hột rừng để mang về nhà, xem như món quà đặc sản núi rừng để làm quà biếu người thân, bạn bè làm thuốc. Qua thời gian chuối hột rừng khô của người dân xã Đồng Kho đã dần trở thành đặc sản không thể thiếu trong mắt của các vị khách hành hương ở nhiều nơi trong cả nước.

Ngọc Khánh