Bắt chước ai ta chúc mấy lời

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:26, 12/01/2024

Dân tộc ta vốn có truyền thống rất đẹp mỗi độ xuân về, từ già đến trẻ, từ quan đến dân, nông thôn đến thành thị, luôn có biểu hiện ứng xử với nhau rất văn hóa, đó là chúc tết, mong muốn mọi người vượt qua khó khăn, xuôi xẻo trong năm cũ (nếu có), năm mới đón nhận nhiều may mắn, bình an, hạnh phúc.

Từ xưa, lĩnh vực văn chương thơ phú, các văn nhân, nho sĩ viết đối, làm thơ vịnh xuân, chúc tết. Có những bài thơ xuân, câu đối tết sống mãi với thời gian. Ngày nay, với công nghệ thông tin hiện đại, thơ phú về xuân càng thêm rộn ràng trên các phương tiện truyền thông. Nhất là đêm giao thừa và sáng mùng một tết, hàng triệu tin nhắn chúc nhau gửi qua sóng điện thoại, mong muốn mọi điều tốt đẹp đến với người thân quen.

chuc-tet-dau-nam.jpg

Sắp tết rồi, tôi xếp lại kệ sách, thấy cuốn Thơ Tú Xương (Nxb Văn học, 1992) có một số trang bị gấp nếp, cẩn thận mở ra vuốt lại, gặp bài thơ Năm mới chúc nhau của cụ. Trước đây đọc rồi, giờ đọc lại, thấy thơ cụ Tú ngược đời mà vẫn nhật dụng lạ lùng. Bài thơ có 5 khổ, 24 câu.

Mở đầu nhà thơ cất tiếng: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau: /Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.”. Ước mong tuổi thọ, đời người sống được trăm năm, đến khi đầu bạc răng long là hồng phúc. Nhưng ngôn ngữ biểu đạt ở 2 câu thơ đầu nghe ra diễu cợt bởi từ: nó và râu. Thường xưng hô nó (bọn nó, chúng nó, tụi nó) là biểu thị không mấy tôn trọng. Còn nói trăm tuổi bạc đầu là hàm ý tôn kính đối tượng cây cao bóng cả; nhưng thêm chữ râu vào (bạc đầu râu) bỗng dưng nghe buồn cười, mỉa mai châm biếm. Ở đây nghiêng về giới mày râu – nói đàn ông, chứ không nhằm vào phái nữ. Nghe nó chúc như vậy, ngòi bút trào phúng kia lại chuyển hướng tiếp thị đến bật cười: “Phen này ông quyết đi buôn cối,/ Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu”. Thời xưa, tục ăn trầu ở ta không chỉ đàn bà mà cả đàn ông, cụ Nguyễn Công Trứ trong Hàn Nho phong vị phú nói: “Miếng trầu têm, vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ”. Họ xem miếng trầu là đầu câu chuyện. Đến khi sức yếu răng long, phải bỏ trầu cau vào ống xoáy – còn gọi cối, xoáy giã cho nhuyễn để ngậm. Đó là hiện tượng đáng tôn trọng với tuổi già, nhưng tác giả nhìn khác: bao nhiêu đứa giã trầu, gọi đứa, tỏ ra chẳng kính nể chút nào.

Hết chúc thọ đến: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:/ Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?/ Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,/ Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.” Nói “trăm, nghìn, vạn mớ” là chỉ sự thu nhập khủng, đến nổi không có chỗ cất giữ để vung vãi “đồng rụng, đồng rơi” khắp chốn, giống như bây giờ “nó” đi rửa tiền, chắc hẳn “gà móng đỏ” ngày nay không chỉ “ăn bạc” như thời cụ Tú, mà ăn đồng đô la.

Chúc giàu rồi đến: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:/ Đứa thì mua tước, đứa mua quan./ Phen này ông quyết đi buôn lọng,/ Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”. Hóa ra thời nào cũng có hiện tượng đó. Mua tước để được sang trọng, mua quan để nắm quyền lực. Còn nhớ qua mấy kỳ đại hội vừa rồi có lệnh cấm chạy cửa sau – chạy cửa sau tức để mua tước, mua quan chứ còn gì. Nhưng thời cụ Tú mua quan bán tước khá công khai. Đạt được mục đích rồi thì kênh kiệu vênh vang với ô dù võng lọng. Thời ấy mà cụ Tú đã có cái nhìn của chuyên gia tiếp thị marketing ngày nay ghê thật, “ông quyết đi buôn lọng”, đáng nể làm sao!

Chúc sống lâu, giàu có, sang trọng lại đến: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:/ Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn./ Phố phường chật hẹp, người đông đúc,/ Bồng bế nhau lên nó ở non.” Lời chúc ở 2 câu đầu của khổ thơ là chuyện nghiêm túc, sinh đẻ mẹ tròn con vuông là ước mơ về sự sinh tồn hết sức nhân đạo của con người. Nhưng đến 2 câu tiếp thì kinh khiếp với cái nhìn dự báo của cụ Tú về nhân mãn. Có sai đâu, vào giữa thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã rơi vào nạn nhân mãn, đến cuối thế kỷ XX, nhiều nước xây dựng thành luật về kế hoạch sinh đẻ - mỗi cặp vợ chồng chỉ đẻ 1 đến 2 con. Trong đó có đất nước của tiên sinh.

Bên trên là nghe “nó chúc nhau”, cụm từ nó chúc nhau có cảm giác đó là những kẻ cùng phường cùng hội với nhau; bây giờ đến lượt nhà thơ: “Bắt chước ai ta chúc mấy lời:/ Chúc cho khắp hết ở trong đời./ Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,/ Sao được cho ra cái giống người”(*). Lời chúc mở rộng không gian ra toàn cầu, mang tính nhân loại, không phân biệt thành phần, thứ bậc, tất cả “vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước”, không riêng một quốc gia dân tộc nào. Cái đích cao đẹp của con người sinh ra trên cõi đời này luôn muốn được thành người tử tế, thiện lương, nên mới chúc: “Sao được cho ra cái giống người”, khác với súc vật, để được kính nể, quý trọng. Lời chúc thật uyên thâm, sang trọng của bậc túc nho.

Năm mới chúc nhau là một trong những bài thơ độc đáo thuộc phạm trù mỹ học thơ trào phúng của Tú Xương. Chúc mà thật ra là chửi, diễu cợt mỉa mai. Đây là thể thơ dùng tiếng cười bộc lộ tư tưởng, tình cảm, đả phá xấu xa, lạc hậu, lỗi thời, chống lại những gì mang tính thù địch với bản chất đạo đức – nhân văn cao đẹp mà con người luôn muốn gìn giữ.

(*). Có ý kiến cho rằng, khổ thơ cuối là do người sau cảm hứng thêm vào, nhưng cũng có ý kiến khẳng định là của cụ Tú. Tôi đồng tình với ý kiến sau như đã trình bày ở bên trên.

Võ Nguyên