Ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực bứt phá trong năm 2024

Kinh tế - Ngày đăng : 05:36, 15/01/2024

Một trong số những nhiệm vụ quan trọng đặt ra của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm 2024 là phát huy tối đa tiềm năng đất đai, các công trình thủy lợi trên địa bàn và các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu. Qua đó, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sinh thái, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục phát triển vùng chuyên canh đối với sản phẩm chủ lực…

Vượt khó để bứt phá

Nhìn lại năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, bất lợi. Tuy vậy, ngành vẫn chủ động tập trung các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả các mặt hoạt động của ngành cơ bản ổn định, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch đề ra. Toàn ngành thực hiện đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 3,31%/2,81% kế hoạch…

z4610870100686_7018eafca9edf7963b75dc541703094c.jpg
Nông dân thu hoạch thanh long.

Bước sang năm 2024 được xem là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Riêng việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2024 bao gồm những vấn đề như tình trạng lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới, giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao…Tuy vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, dịch vụ theo chuỗi giá trị…

z4627101794556_272ab94814fbd1f429cc04009fa7b661.jpg
Gieo sạ lúa.

Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, ngành phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội được giao năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp từ 3 - 3,2%. Trong đó, về trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện tái canh vườn thanh long già cỗi, cấp mã vùng trồng. Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường thanh long trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

z4012804021986_c6eff82d2d8fe779e6c287bcde05608d.jpg
Hệ thống thủy lợi đảm bảo.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024, nội dung chương trình hành động của UBND tỉnh nhấn mạnh nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở và địa phương tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (NQ05) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

z4994993860905_b7dd6cf78025c53c9feb6cf483234f43.jpg
Một điểm rừng tại Bình Thuận.

Tiếp tục phát triển vùng chuyên canh đối với sản phẩm chủ lực gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đồng thời, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và tiêu thụ nông sản phù hợp với điều kiện của tỉnh.

z3753294142299_5b09ab6e426c86f40bc0dc425f1ea2c5.jpg
Tàu thuyền Bình Thuận.

Đặc biệt, nhiệm vụ đặt ra của ngành nông nghiệp là tổ chức thực hiện tốt bảo vệ rừng, nhất là khu vực trọng điểm thường xảy ra lấn chiếm. Đẩy mạnh phục hồi rừng tự nhiên, nhất là rừng phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở cao, thực hiện kịp thời chính sách khoán bảo vệ rừng. Phát triển, nâng cao chất lượng rừng trồng, ưu tiên trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Phát triển dược liệu dưới tán rừng. Tiếp tục ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong quản lý bảo vệ rừng.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản đa dạng theo điều kiện sinh thái, tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo đột phá trong nuôi trồng thủy sản trên biển. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, tiến đến chấm dứt các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Giữ vững uy tín, chất lượng, thương hiệu tôm giống Bình Thuận song song với phát triển vùng sản xuất tôm giống tập trung, ứng dụng công nghệ cao… Với các mục tiêu và nhiệm vụ khá nặng nề đặt ra trong năm 2024, ngành nông nghiệp đang nỗ lực hoàn thành và tạo sự bứt phá…

Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2024: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ngành nông nghiệp đạt từ 3% đến 3,2%/năm. Tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ổn định 43%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 81,7% (76/93 xã); có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

K. Hằng