Thủy sản Bình Thuận: Lấy đà cho năm 2024

Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 17/01/2024

Mặc dù thời tiết trong năm qua không mấy thuận lợi, nhiên liệu cho chuyến biển vẫn nằm ở mức cao, đời sống ngư dân vẫn khó khăn, nhưng ngành thủy sản Bình Thuận cũng cố gắng hoàn thành các kế hoạch đề ra. Đây là tín hiệu vui cho ngành thủy sản, là bước tạo đà để đạt được các chỉ tiêu trong năm 2024.

Có nhiều lợi thế

Nhiều năm qua, người dân Bình Thuận phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao. Trong năm 2023, tình hình khai thác thủy sản biển trong tỉnh tương đối thuận lợi. Phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Năm 2023 sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 235.000 tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế của cộng đồng ngư dân được tăng cường. Lực lượng Kiểm ngư của tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuần tra trên biển, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động nghề cấm, thuyền nghề giã cào bay hoạt động khai thác sai vùng, sử dụng các phương thức khai thác hủy diệt ngư trường, nguồn lợi thủy sản tiếp tục duy trì. Đặc biệt, Chi cục Thủy sản tỉnh đã củng cố, phát huy hiệu quả các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 3 xã Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý - huyện Hàm Thuận Nam (3 tổ chức cộng đồng/288 hộ gia đình/814 thành viên được trao quyền quản lý vùng biển có diện tích là 43,4 km2). Tỉnh đang khảo sát, đánh giá điều kiện các khu vực biển ven bờ để xây dựng đề án nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh, góp phần bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái ven biển gắn với ổn định sinh kế cho cộng đồng ngư dân.

vu-ca-nam-o-cang-ca-phan-thiet-anh-n.-lan-7-.jpg
Mùa cá nam. Ảnh: N.Lân

Song song đó, tỉnh đã tăng cường nuôi trồng thủy sản với hơn 3.000 ha phát triển theo hướng thâm canh, công nghiệp, đa dạng loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường; trong đó sản xuất tôm giống là lợi thế phát triển của tỉnh do có các yếu tố thuận lợi về tự nhiên như khí hậu, chất lượng nguồn nước… Riêng nuôi thủy sản nước lợ phát triển theo hướng đa dạng hóa loài nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, tập trung chủ yếu nuôi tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng; nuôi thủy sản nước ngọt chú trọng phát triển đa dạng các giống nuôi kinh tế: cá tầm, chình, bống tượng, thát lát… Hiện nay, nuôi trồng thủy sản tập trung tại khu vực Hàm Tân, Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, có thể sử dụng 2/3 số diện tích này đưa vào nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, tập trung ở Hàm Tân (340,2 ha) Tuy Phong (445,5 ha). Ngoài ra, còn có 5 vùng vịnh lớn nhỏ rất thuận lợi cho việc nuôi lồng, nuôi bè các loại như tôm hùm, cá mú, sò, điệp, trai ngọc... Nuôi hải sản trên biển tại huyện Phú Quý và huyện Tuy Phong đang phát triển mạnh, tập trung nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế như: cá mú, tôm hùm, cá bớp… sản lượng đạt khoảng 120 tấn/năm.

nuoi-thuy-san-bang-long-be-o-phu-quy-anh-n.-lan-2-.jpg
Nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Phú Quý (ảnh: N. Lân)

Nỗ lực vượt khó

Cùng với đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bình Thuận đã tập trung vào chế biến thủy sản. Ngành chế biến thủy sản từng bước được đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, ISO. Đến nay, toàn tỉnh có 212 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; trong đó, có 22 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản qua thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, EU, ASEAN. Các sản phẩm thủy sản phục vụ xuất khẩu chủ yếu là cá biển, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động khai thác hải sản còn gặp nhiều khó khăn, giá nhiên liệu còn ở mức cao, giá bán các mặt hàng thủy sản tăng không tương xứng, trong khi chi phí cho mỗi chuyến biển vẫn còn cao, nên đời sống của ngư dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 có nhiều trở ngại, do thị trường tiêu thụ tôm giống trên cả nước giảm, hoạt động sản xuất tôm giống cầm chừng, nhiều cơ sở tạm nghỉ sản xuất. Tình hình nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, do điều kiện thời tiết thay đổi nhiều, tôm khó nuôi, chi phí đầu tư nuôi tôm tăng cao, hiệu quả nuôi đạt thấp nên bà con nuôi tôm hạn chế thả tôm giống.

hai-san-ve-bai-bien-ke-ga-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
Phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản trong năm 2024 đạt chỉ tiêu đề ra. (ảnh: N. Lân)

Trong năm 2024, phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 210.000 tấn. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp có kế hoạch cơ cấu lại đội tàu khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ khai thác thủy sản. Tiếp tục phát triển khai thác thủy sản xa bờ hiện đại, bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phối hợp ngành liên quan tiếp tục củng cố, thành lập mô hình tổ đội, hợp tác, doanh nghiệp khai thác thủy sản gắn với dịch vụ hậu cần trên biển. Thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh, phấn đấu 100% tàu cá được đăng ký, giảm số lượng tàu cá vùng ven bờ, vùng lộng; thực hiện quản lý, cấp phép khai thác theo hạn ngạch. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến trên tàu cá để giảm thất thoát và nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác… Về lĩnh vực nuôi thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết, sẽ xây dựng kế hoạch nuôi trồng phù hợp với điều kiện địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng đối tượng nuôi (ngọt, lợ, mặn); đẩy mạnh nuôi hải sản trên biển với các loài có giá trị kinh tế cao. Nâng cao chất lượng tôm giống, phấn đấu sản lượng tôm giống đạt 25,5 tỷ post. Giữ vững thương hiệu tôm giống Bình Thuận, khẳng định vị thế trung tâm cung ứng tôm giống quốc gia...

M. Vân