Đẩy mạnh triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Đời sống - Ngày đăng : 05:51, 17/01/2024

Nhằm triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; từ tháng 11/2023, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh...

Chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ tháng 9 đến tháng 10/2023, Sở đã triển khai thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt tại các huyện Hàm Tân, Tánh Linh và thị xã La Gi. Qua 2 tháng thí điểm, có 3.341 đối tượng đủ điều kiện thực hiện thủ tục mở tài khoản và cấp thẻ ATM. Trong đó đã thực hiện chi trả tiền trợ cấp qua tài khoản cho 1.900 đối tượng bảo trợ xã hội, đạt 92,7%; 749 đối tượng người có công với cách mạng, đạt 74,9% kế hoạch. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, việc chi trả không dùng tiền mặt đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách được nhận tiền nhanh chóng, đúng thời gian quy định, an toàn và tránh được các rủi ro. Mặt khác, việc chi trả phù hợp với các đối tượng có khả năng thực hiện các thao tác rút tiền tại các trụ máy ATM hoặc thực hiện các dịch vụ thanh toán trên các ứng dụng thông minh...

an-sinh.jpeg
Ảnh minh hoạ 

Mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực trong công tác tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện tuy nhiên do thời gian triển khai thí điểm cũng tương đối ngắn (2 tháng) nên kết quả chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch. Tại một số địa phương, trong những ngày đầu chi trả tiền trợ cấp hàng tháng tại điểm chi trả của bưu điện văn hóa xã, các đối tượng thường tập trung đến nhận tiền vào cùng một khung giờ, trong khi chỉ có 1 nhân viên bưu điện thực hiện công tác chi trả tiền trợ cấp cho đối tượng dẫn đến quá tải, không thể kết hợp thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản cho đối tượng.

Ngoài ra, việc cơ quan Bưu điện thực hiện tuyên truyền và vận động đối tượng chỉ mở tài khoản thanh toán ở ngân hàng thương mại có liên kết với Bưu điện không được sự đồng tình của đối tượng. Đồng thời, Bưu điện chỉ thực hiện công tác chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng đã có hoặc đăng ký mở tài khoản nhận trợ cấp ở các ngân hàng có liên kết với Bưu điện, chưa thực hiện đối với các đối tượng đăng ký tài khoản ở các ngân hàng thương mại khác (do phí giao dịch cao). Chính điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện so với mục tiêu đã đề ra tại kế hoạch thí điểm...

Triển khai trên địa bàn tỉnh

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, từ kết quả đã thực hiện và những mặt thuận lợi, khó khăn nêu trên, Sở và Bưu điện tỉnh đã thống nhất kết thúc việc triển khai thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tại các huyện Hàm Tân, Tánh Linh và thị xã La Gi. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện tốt công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh đã đề nghị các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, đối tượng, gia đình đối tượng và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả chính sách an sinh xã hội bằng tiền mặt sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Sở LĐ - TB&XH thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải đáp kịp thời các vướng mắc của địa phương theo thẩm quyền và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện theo quy định. UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Thương mại trên địa bàn phối hợp Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện và có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng...

T.HÀ