“Sạch hóa” thực phẩm ngày tết

Đời sống - Ngày đăng : 15:25, 16/01/2024

“Đến hẹn lại lên”, trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nắm bắt nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao, một số đối tượng xấu đã lợi dụng trà trộn hàng hóa các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ tung ra cả “trên mạng xã hội” và “ngoài chợ” để tiêu thụ. Vấn đề này không phải diễn ra vào dịp tết, mà nó trở thành câu chuyện “thường xuyên”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm của người dân tăng cao, và khoảng thời gian này, trên thị trường xuất hiện nhiều loại hàng hóa, thực phẩm như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, hoa quả… phục vụ tết với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, nơi sản xuất nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm “khó” có thể kiểm soát chặt chẽ. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ một cách “vô tội vạ”, quá liều lượng Bộ Y tế cho phép có thể gây ngộ độc và đặc biệt ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe và có thể là nguyên nhân gây bệnh.

dsc_4656.jpg

Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao vào dịp tết, đây cũng là thời điểm nguy cơ ngộ độc thực phẩm lại hiện hữu. Thời điểm này là lúc một số mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là thực phẩm “bẩn”. Các mặt hàng nhu yếu phẩm như các loại bánh, mứt, kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt các loại, dịch vụ ăn uống tại các huyện, thị xã, thành phố… năm nào cũng “tuyên bố” là sẽ kiểm soát chặt chẽ, nhưng bằng cách nào đó “người ta” vẫn tuồn ra thị trường. Và “cuộc chiến” chống thực phẩm “bẩn” đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại.

Lại nữa, càng gần tết, các sản phẩm tự làm (handmade) được ra bán ngày càng nhiều thông qua các trang mạng xã hội. Các mặt hàng thực phẩm “giả danh” được rao bán trên mạng không kém gì ngoài chợ, siêu thị. Một số người rao bán “thực phẩm handmade không phụ gia, không hóa chất bảo quản”, “thực phẩm quê an toàn”, “thực phẩm nhà làm, chất lượng, uy tín”, “đồ sạch nhà trồng để ăn”, “thực phẩm mang hương vị đồng quê - chỉ có một không hai”… và kèm theo đó họ còn đăng hình ảnh bắt mắt, “đánh lừa” cảm giác người mua. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, đối với một số loại thực phẩm “nhà làm” vẫn tiềm ẩn mối nguy mất an toàn. Do vậy, người tiêu dùng thông minh nên cân nhắc khi sử dụng những loại thực phẩm được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn nhanh.

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời điểm này nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đã tung ra thị trường các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành vấn đề “nóng”, nhất là trong thời gian gần đây, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý một số vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, khiến lo lắng của người tiêu dùng càng tăng cao. Người dân có cơ sở để lo lắng, còn cơ quan chức năng thì vẫn gặp không ít khó khăn trong cuộc chiến “sạch hóa” thực phẩm ngày tết.

Do vậy, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm bán tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, trên mạng… để đảm bảo minh bạch thông tin, không để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng đến những doanh nghiệp, người kinh doanh làm ăn chân chính. Các hợp tác xã, chủ trang trại cung cấp thực phẩm an toàn cho các cửa hàng, chợ, siêu thị cũng tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, nếu phát hiện có sự trà trộn sản phẩm gắn nhãn mác của cơ sở mình cần chấm dứt hợp đồng cung cấp sản phẩm, đồng thời báo tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế đã có không ít những vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí cả tử vong. Chúng ta cũng đã xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng, đủ chế tài, đủ sức răn đe. Cụ thể hiện nay, vấn đề xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được áp dụng theo các quy định tại Luật an toàn thực phẩm; Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Bộ luật hình sự. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Hiện nay người tiêu dùng thông minh có xu hướng sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn ngày càng gia tăng, nhưng để các sản phẩm bán trên thị trường đúng với bản chất, giá cả phù hợp, về lâu dài phải xây dựng được các mô hình nông nghiệp an toàn từ đồng ruộng tới bàn ăn, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc đầu vào từ con giống, thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh, thuốc bảo vệ thực vật… các cơ quan chức năng cần công bố công khai những đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tẩy chay, có như vậy mới bảo đảm sự công bằng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mỗi người dân hãy lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại những quầy bán thực phẩm, chợ, cửa hàng, siêu thị uy tín an toàn. Không mua thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải “mạnh tay” hơn nữa trong việc xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 sẽ là “liều thuốc đặc trị” đối với các vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Có làm được như vậy thì điệp khúc an toàn vệ sinh thực phẩm đến hẹn lại... lo sẽ không lặp lại và “sạch hóa” thực phẩm ngày tết để mỗi người, mỗi nhà có được những ngày tết vui vẻ trọn vẹn.

DỤNG VĂN DUY