Khi nông sản “đổ bộ” thị trường quà tết!

Kinh tế - Ngày đăng : 05:50, 19/01/2024

Khi tháng cuối năm Quý Mão 2023 đang lùi dần về phía cuối, chưa đến ba tuần nữa, mọi người, mọi nhà sẽ hòa chung không khí vui tươi, rộn ràng đầu năm mới.

Quãng thời gian này, hoạt động kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu phục vụ tết đã bắt đầu rộn ràng, sôi động bởi người mua, kẻ bán. Năm nay thị trường giỏ quà tết ghi nhận sự lên ngôi của các loại nông sản như trái cây sấy, mứt bánh, đặc sản khô vùng miền. Trong đó, với xu hướng giảm dần quà tết từ bánh kẹo, thì sự nổi lên của các loại nông sản đang dần là xu hướng lựa chọn khi các sản phẩm này ngày càng được chăm chút hơn cả về vẻ ngoài lẫn chất lượng.

z5082528256578_02e84499d2ceb3a2a4be7ce61ab6a4ef.jpg

Tại Bình Thuận, năm nay trên thị trường ghi nhận sự “đổ bộ” của các mặt hàng nông sản làm quà tết đang được khách hàng rất ưa chuộng. Đây là các sản phẩm nông nghiệp chế biến đặc trưng, được chứng nhận OCOP của các huyện, thị xã trong tỉnh như rượu thanh long, nước cốt thanh long, mứt, kẹo, bánh được làm từ thanh long. Đó còn là các sản phẩm được sản xuất theo hướng xanh, hữu cơ như dông cát, bồ câu, hạt điều… Đáng chú ý, các loại nông sản chế biến này được các chủ thể “biến” thành những giỏ quà tết rất bắt mắt, đa dạng, bán chạy trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Hoàng Thư Hương – Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc), hiện tại hợp tác xã có 12 sản phẩm chế biến từ thanh long được chứng nhận OCOP 3 sao, đều được lựa chọn đóng thành các giỏ quà tết. Bên cạnh đó, nhờ sự kết nối và ủng hộ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị, cá nhân trong tỉnh đã lựa chọn sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương để làm quà tặng cho khách hàng, đối tác. Với mức giá dao động bình quân từ 300.000 – 500.000 đồng/giỏ quà, tùy theo lựa chọn, nhu cầu đặt hàng của người mua, hợp tác xã sẽ kết hợp các sản phẩm phù hợp, đẹp mắt.

z5082527409488_07b67e2b292684c381a13c13d6724015.jpg

Ngoài ra, hợp tác xã có sự kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp khác trên địa bàn để kết hợp các sản phẩm quà tết đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Hương chia sẻ thêm, năm nay số lượng giỏ quà tết từ nông sản được bán ra của đơn vị tăng từ 30 - 40% so với năm ngoái. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã chú trọng mẫu mã, cách phối quà sinh động, đẹp mắt, cùng các thông điệp ý nghĩa như “Chúc mừng năm mới”, “Vạn sự như ý”, “Sắc xuân”… càng tạo thêm sức hút của món quà. Ngoài ra, năm nay một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương trong tỉnh như gạo, táo, nho… cũng được các tổ chức, cá nhân đăng tải, quảng bá, bán tại các cửa hàng, siêu thị và được biết đến nhiều thông qua các trang mạng xã hội, tạo nên “cơn sốt” nông sản thị trường tết năm nay.

z5082530623657_709b6e9fe9b73974fd4571cff6350f65.jpg

Bên cạnh sản phẩm từ cây trồng, hiện nay các sản phẩm chăn nuôi theo hướng xanh, bền vững, tại TP. Phan Thiết như bồ câu và dông cát Thiện Nghiệp cũng được đưa vào thị trường quà tết. Anh Nguyễn Minh Tâm (chủ Ba Tường Farm ở xã Thiện Nghiệp), người nuôi bồ câu trắng (giống bồ câu Pháp) kết hợp nuôi gà rừng thành công ở Bình Thuận cho biết: “Năm nay chúng tôi bắt đầu cho ra thị trường khoảng 500 túi quà tết, là các sản phẩm chế biến gồm bồ câu sấy 1 nắng – dông cát sấy – gà rừng và rượu sâm bố chính, có giá bình quân 500.000 đồng/túi. Theo chia sẻ của chủ trang trại, đây là các sản phẩm được chăn nuôi theo hướng xanh, sạch, an toàn nên có nhiều khách hàng lựa chọn làm quà tết, phân phối ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Có thể nói, năm 2023 là năm bứt phá của nông sản Việt Nam trên thị trường, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp 4.0. Trong đó, nông sản sạch đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, hướng đến mục đích an toàn cho sức khỏe. Với nông sản của tỉnh Bình Thuận, những tín hiệu khởi đầu trong năm mới ở thị trường quà tết năm nay, đã và đang nhen nhóm lên sự khởi đầu thuận lợi, đưa nông sản Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng vươn ra thị trường trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối giao thương. Để phát triển thị trường nông sản, ngành đang không ngừng chuyển đổi tư duy sản xuất tập trung và nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Kiều Hằng