Giải pháp phát triển kinh tế đêm tại Bình Thuận

Kinh tế - Ngày đăng : 16:06, 11/10/2019

BTO- Hoạt động kinh tế đêm là xu hướng tất yếu thúc đẩy phát triển của quốc gia, địa phương lấy du lịch làm mũi nhọn, đã đến lúc Bình Thuận cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm bài bản, đầy đủ hơn cho giai đoạn mới.
                
      Phố đi bộ - Chợ đêm Bạch Đằng tại Đà Nẵng. Ảnh minh họa

Thực trạng phát triển tại các quốc gia và Việt Nam

Có nhiều khái niệm về kinh tế đêm (gọi tắt là KTĐ), tuy nhiên, kinh tế đêm được hiểu là các hoạt động kinh tế diễn ra vào ban đêm, bao gồm các hoạt động như: giải trí, ẩm thực, mua sắm,…

Trước đây, KTĐ xuất hiện chủ yếu miêu tả hoạt động nhiều ở các quán bar đêm và câu lạc bộ đêm ở các nước phương Tây, sau đó cùng quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, đặc biệt là du lịch quốc tế thì mở ra nhiều hoạt động khác như: chợ đêm, nhà hàng, nhà hát, các hoạt động giải trí về đêm. Việc phát triển KTĐ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như: dịch vụ bán lẻ, khách sạn, giao thông, vận tải, dịch vụ y tế, an ninh,…

Đóng góp của KTĐ vào sự phát triển của quốc gia, địa phương rất lớnnhư tại Hoa Kỳ có LasVegas, New York, tại Trung Quốc có Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, tại Úc có Sydney, Melboune của Úc và các quốc gia khác như: Anh, Pháp, Thụy Sĩ hay Hà Lan. Có thể thấy đặc thù của KTĐ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đông dân cư và tập trung các hoạt động du lịch, dễ thấy nhất là đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, kích thích tiêu dùng nội địa, tạo công ăn việc làm cho người lao động và ngân sách cho địa phương, thúc đẩy phát triển dịch vụ công cộng và góp phần quan trọng cho phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.

Tại Việt Nam, KTĐ đã xuất hiện tại một số địa điểm du lịch, thành phố lớn của tỉnh thành Việt Nam như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sapa, Hội An,… tập trung vào các loại hình phố đi bộ, hoạt động đường phố, hình thành khu mua sắm, ẩm thực, cửa hàng, chợ đêm, hoạt động nghệ thuật,…Cụ thể:

- Thành phố Hà Nội: Nằm tại khu vực phố cổ và để tạo cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ ban đêm phát triển, thành phố đã cho phép kéo dài thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng và chợ đêm vào 3 ngày cuối tuần hay cho phép mở chợ đêm tại phố Hàng Đào, phố đi bộ tại khu vực Bờ Hồ vào cuối tuần cùng với hoạt động nghệ thuật.

- Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phát triển khu phố kinh doanh về đêm (ẩm thực, quán bar, quán cà phê, ca nhạc) tại khu phố đêm và phố đi bộ Nguyễn Huệ.

- Một số thành phố khác như: Vũng Tàu, Huế, Quảng Bình, Đà Lạt phát triển các dịch vụ về đêm cho du khách trong và ngoài nước thưởng thức không gian ánh sáng nhiều màu sắc, món ăn, hoạt động nghệ thuật,…

Tuy nhiên, các hoạt động này còn manh mún, chưa thực hiện một cách bài bản, hình thành hệ thống đa đạng các khu vực kết nối trong khu KTĐ từ ẩm thực, chợ đêm, trình diễn nghệ thuật, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giao thông, vận tải, phân công phân cấp trách nhiệm các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng, chưa đổi mới chương trình tổ chức, tiết mục trình diễn, quảng bá chưa nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nên chưa thu hút nhiều thành phần đối tượng tham gia, ngoài ra, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được chú trọng.Nhìn rộng hơn, cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động KTĐ chưa được quan tâm, xây dựng, so với các nước khác trên thế giới như: Trung Quốc, Úc, Anh,.. chưa có chiến lược, chương trình, kế hoạch cấp quốc gia, ngành và địa phương để triển khai thực hiện, chưa lồng ghép trong quy hoạch phát triển tổng thể của các địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đầu tư đúng mức,quy định “giờ giới nghiêm” chưa nới lỏng.

Thực tế phải nhìn nhận rằng, Việt Nam rất có tiềm năng lớn và hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển KTĐ, đó là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng và dư địa để khai thác khách chi tiêu cho hoạt động còn lớn(năm 2018, lượng khách quốc tế đạt 15,6 triệu lượt, tăng 2,7 triệu so với năm 2017 và dự kiến đạt 17,5-18 triệu lượt trong năm 2019, doanh thu du lịch ban ngày ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 30% trong khi ban đêm là 70%, trong khi đó chi tiêu ở Việt Nam thấp hơn gần gấp đôi so với tại Thái Lan cùng số ngày lưu trú); quá trình đô thị hóa tăng nhanh và thu nhập, mức sống của người dân ngày càng tăng, sẵn sàng chi tiêu và nhu cầu hưởng thụ cuộc sống về đêm gia tăng. Ngoài ra, đó là tình hình chính trị, an ninh ổn định, nguồn nhân lực, lao động trẻ dồi dào có thể thu hút lao động để làm dịch vụ tại các khu vực phát triển KTĐ, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, món ăn ngon, phong phú.Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu Đề án phát triển kinh tế đêm để đề xuất về quan điểm, định hướng và phát triển KTĐ phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển KTĐ.

Thực trạng tại Bình Thuận và giải pháp phát triển

Tại Bình Thuận, với bờ biển dài 192 là một lợi thế cực lớn cùng với nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành cùng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh phục vụ phát triển ngành du lịch mũi nhọn. Thủ tướng Chính phủ xác định Bình Thuận là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tuy vậy các loại hình dịch vụ về đêm vẫn chưa phong phú, còn hạn chế nên số ngày lưu trú trung bình của khách đến Bình Thuận rất thấp. Do đó, việc nghiên cứu phát triển KTĐ là cần thiết và hết sức cấp bách. Với các dự án bất động sản, du lịch quy mô lớn được cấp phép trong thời gian gần đây,cùng vớiphát triển KTĐ bài bản, có hệ thống sẽ tạo động lực cho du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ, bứt tốc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Trước sức ép của quá trình phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, trong khi chúng ta đang xây dựng văn kiện cho Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới, cần lắm những định hướng, tầm nhìn bước đầu cho phát triển KTĐ của tỉnh trong các nội dung trao đổi, góp ý tại văn kiện Đại hội.

Cụ thể hơn, để đa dạng hóa được dịch vụ phát triển về đêm để khai thác tối đa hoạt động của khách du lịch tại địa bàn du lịch.Các cơ quan, địa phương của tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Kiến nghị Bộ ngành Trung ương lựa chọn khu du lịch Mũi Né là một trong các khu du lịch của cả nước thực hiện thí điểm KTĐ với cơ chế chính sách riêng, phù hợp với yếu tố bản địa, đặc trưng vùng miền để thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, lưu trú, chi tiêu nhiều hơn.

Thực hiện lồng ghép chủ trương, nội dung phát triển KTĐ vào quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, trước hết giai đoạn đầu tập trung vào khu vực Mũi Né, Phan Thiết.

Xây dựng “Đề án phát triển kinh tế đêm của Phan Thiết” với cơ chế chính sách, phù hợp với điều kiện của địa phương. Thành lập cơ quan chỉ đạo, điều hành kinh tế ban đêm với thành viên là các sở ngành và thành phố Phan Thiết. Nhiệm vụ thực hiện là quy hoạch rõ các khu vực, địa bàn, tuyến đường tập trung phát triển, trọng tâm của quy hoạch đó là xác định phần lõi là “Khu hoạt động trung tâm” và các khu khác riêng biệt (khu văn hóa, khu chuyên về ẩm thực, mua sắm, khu trung tâm sẵn có hệ thống phương tiện công cộng,…); vấn đề an toàn được tính toán chặt chẽ để có biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề an ninh, giao thông, an toàn thực phẩm, tiếng ồn và quan tâm đến phúc lợi xã hội cho những người làm việc trong thời gian ban đêm, phân công rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý và an toàn cho các hoạt động về đêm; tăng cường quảng bá và truyền thông đối với hoạt động KTĐ của thành phố.

Anh Khoa