Kỳ vọng công nghiệp năng lượng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:56, 24/01/2024

Khép lại năm 2023, ngành Công Thương ghi nhận giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn Bình Thuận đạt hơn 40.610 tỷ đồng, tăng 3,8% so năm trước đó.

Nổi bật trong đó là nhóm ngành sản xuất - phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 16.822,7 tỷ đồng (tăng 11,66%), vì vậy đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của kinh tế địa phương. Đặc biệt ở lĩnh vực năng lượng, toàn tỉnh có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW, trong năm vừa qua đạt sản lượng điện sản xuất 26,5 tỷ kWh (tăng hơn 10% so thực hiện năm trước đó). Riêng năng lượng tái tạo, Bình Thuận có 35 nhà máy điện gió và điện mặt trời hoạt động phát điện với tổng công suất 1.404,31 MW, trong năm 2023 tham gia sản xuất đạt sản lượng điện khoảng 2.969 triệu kWh. Theo sở Công Thương, hiện nay nhiệt điện đóng góp sản lượng điện cao nhất với 77,39%, kế đến là thủy điện 10,57%, điện mặt trời 9,16% và điện gió 2,88%...

img_3848.jpg
Các dự án khí - điện LNG được kỳ vọng giúp ngành công nghiệp năng lượng Bình Thuận phát triển mạnh mẽ. (ảnh minh họa).

Tuy nhiên tới đây, ngành công nghiệp năng lượng của Bình Thuận được kỳ vọng có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ một số dự án khí - điện LNG quy mô lớn được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Cụ thể là 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II (với tổng công suất 4.500 MW) có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 4 tỷ USD và đã được phê duyệt Quy hoạch điện VIII… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với quy mô công suất thiết kế giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 khoảng 6 triệu tấn LNG/năm. Được biết, dự án này triển khai thực hiện tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân với mục tiêu: Kho chứa LNG tái hóa khí phục vụ cho 2 nhà máy khí - điện LNG (Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II), Cảng nhập LNG.

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I (công suất 2.250 MW) được đầu tư theo hình thức BOT, có tiến độ dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2028. Hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi theo yêu cầu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đồng thời triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định. Còn với dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II (công suất 2.250 MW) cũng được đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến tiến độ triển khai từ năm 2023 - 2028. Trong khi dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ thì được chủ đầu tư đang xúc tiến triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định, tiến độ dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027…

Như vậy trong những năm tới đây khi 2 dự án khí - điện LNG, Kho cảng LNG Sơn Mỹ được đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động và với gần 50 nhà máy điện tham gia phát điện tại Bình Thuận sẽ tạo động lực để công nghiệp địa phương, nhất là lĩnh vực năng lượng vươn lên xứng tầm. Ngoài ra với hệ thống lưới điện (500 kV, 220 kV, 110 kV, trung thế và hạ thế) cũng được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên nhằm đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Qua đó hướng đến đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, tiếp tục là địa phương không những cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động phát điện gồm 9 nhà máy điện gió (tổng công suất 294,2 MW), 26 nhà máy điện mặt trời (tổng công suất hơn 1.110 MW), hiện tại Bình Thuận còn có 1 dự án điện gió (công suất 29,7 MW) đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa vận hành, phát điện thương mại và 2 dự án điện gió (công suất 119,8 MW) trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng...

Đ.QUỐC