“Giữ lửa” nghề cốm tết

Đời sống - Ngày đăng : 06:05, 24/01/2024

Trong mâm lễ dâng lên bàn thờ gia tiên trong ngày tết của người dân Bình Thuận không thể thiếu món cốm tết. Trải qua thời gian, nhiều người đã bỏ nghề nhưng giữa lòng TP. Phan Thiết có bà Đỗ Thị Loan ở khu phố 3, phường Xuân An (TP. Phan Thiết) là một trong những gia đình hiếm hoi còn giữ nghề truyền thống làm cốm tết.

Bà Loan năm nay đã 71 tuổi nhưng có hơn 40 năm làm nghề truyền thống rang nổ để làm cốm hộc. Bếp rang nổ của gia đình bà đỏ lửa cả năm để tạo thu nhập cho gia đình và 2 lao động, nhưng từ cuối tháng 10 âm lịch thì không khí rộn ràng, tất bật hơn cho mùa cốm Tết Nguyên đán. Bởi thế số lượng nhân công và lượng hàng cũng tăng gấp nhiều lần để đáp ứng nhu cầu thị trường. Để làm được thành phẩm cốm ngon, người thợ lành nghề phải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đòi hỏi một sự khéo léo, am hiểu và kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều năm. Bước đầu tiên là trộn nếp khô với nước cho vừa đủ để khi rang sẽ bung hạt ra. Hiện gia đình bà Loan có 3 lò rang hoạt động, đây là công đoạn cực nhọc khi người trực tiếp làm phải chịu sức nóng từ lò lửa, bụi bay khi nếp bung hạt. Mỗi chảo rang được nửa ký nếp 1 lần, rang trong thời gian khoảng 2 phút. Để nổ không bị cháy, những đôi tay thoăn thoắt đưa lúa nếp loại ngon vào lò rang để nếp được bung hạt. Sau khi để nguội những hạt nếp nổ bung to trắng như bông tuyết được đưa vào sàng lọc, lược bỏ trấu. Nếu các công đoạn trước được sự hỗ trợ của máy móc thì công đoạn cuối phải làm hoàn toàn bằng tay để loại bỏ hết những hạt còn dính trấu và những hạt lép, cháy.

img_3578.jpg
Cơ sở rang nổ để làm cốm hộc Tết của bà Loan

Theo chia sẻ của bà Loan, cốm tết được làm từ lúa nếp thơm 3 tháng. Vào khoảng tháng 8 hàng năm, gia đình bà phải ra tận tỉnh Bình Định chọn mua loại lúa nếp này để về làm cốm tết. Trung bình mỗi mùa tết, bà Loan mua khoảng 10 tấn lúa nếp để làm nổ, 1 tấn lúa nếp có thể rang, nổ ra khoảng 500 kg. Để tạo được thành phẩm cốm hộc, ngào theo tỷ lệ 1 kg nổ tương đương 1,5 kg đường, 1 trái thơm. Khi thắng đường cùng thơm vàng sánh mới thả gừng đã giã nhỏ vào. Vị cay nồng của gừng, quyện với mùi thơm của nếp tạo nên hương vị ngon tuyệt riêng của hộc cốm. Sau đó, những người thợ dùng những khuôn gỗ, rỗng 2 mặt, nhồi cốm vào, dùng miếng gỗ rời ép cốm thành một khối. Công đoạn cuối cùng, đem phơi khô và gói giấy hoa… Sản phẩm cốm của cơ sở bà Loan làm ra, hầu như đều được mối thu mua, đặt hàng, số ít người dân đến mua lẻ.

81a4687d-5456-47fb-8851-ede958bf7f7d.jpeg
Nổ được nhặt sạch trấu bằng thủ công

Bà Loan cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề này nhưng các anh chị trong gia đình chọn nghề khác, nên từ ngày cha mất, tôi quyết tâm nối nghiệp”. Cũng nhờ nghề này mà bà đã nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn. Bây giờ con cái đã lớn có thể phụng dưỡng và khuyên mẹ nghỉ ngơi, nhưng bà Loan vẫn chưa muốn bỏ nghề, vì có lao động mới thấy khỏe, mà bỏ nghề thì tiếc, thì nhớ. Không làm được nhiều thì làm lai rai để duy trì lò đỏ lửa cả năm, còn tạo công ăn việc làm cho người khác. Hiện có 8 phụ nữ ở cùng phường và ở phường bạn tranh thủ thời gian rảnh rỗi cuối năm khi mùa vụ hải sản kết thúc đã đến làm việc cùng bà Loan từ 6h đến 16h, với thu nhập mỗi ngày 300.000 đồng. Thường thì cơ sở làm đến rằm tháng chạp mới nghỉ. Chị Trần Thị Bảo Trâm – người làm cho biết: “Thường ngày tôi làm công nhân tại một vựa cá, nhưng từ tháng 10 âm lịch các ghe thu mua hải sản nghỉ, không có việc làm ổn định nên tôi sang làm nổ cốm để có tiền trang trải cho gia đình”.

img_3637.jpg
Thành phẩm cốm hộc của bà Loan

Theo người dân Bình Thuận, ngày trước bắt đầu từ tháng 12 âm lịch nhiều gia đình đã đắp lò chọn nếp rang nổ, đóng cốm tết rất vui. Những năm trở lại đây, nhiều gia đình đã bỏ nghề vì làm cốm trải qua nhiều công đoạn vất vả. Gia đình bà Loan là một trong những gia đình hiếm hoi còn giữ nghề làm cốm tết ở Bình Thuận bán cho người dân cúng ông bà tổ tiên. Theo bà Loan, nghề này trải qua nhiều công đoạn, tốn thời gian nên các con của bà không ai muốn theo nghề. Hiện tại, người con gái út của bà khéo tay, nên tận tay gói giấy hoa để những hộc cốm hoàn chỉnh bán cho những người thân quen đặt hàng, với giá 300.000 đồng/xâu 10 hộc.

Cốm hộc là món không thể thiếu bên cạnh mâm ngũ quả để dâng lên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người dân xứ biển Phan Thiết nói riêng và người dân Bình Thuận nói chung. Qua bao công đoạn cực nhọc, nhưng nghĩ đến thành phẩm từ chính tay mình tạo ra là những hộc cốm được nhiều gia đình đặt lên bàn thờ cúng gia tiên, bà Loan không khỏi tự hào và vui mừng vì góp phần làm nên hương tết Việt.

Thanh Thuỷ