Thanh long Bình Thuận: Ứng dụng công nghệ blockchain - Tại sao không?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:39, 23/10/2019

BT- Thay vì ghi ghi chép chép nhật ký hàng ngày cho quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân chỉ cần vài thao tác trên smartphone với phần mềm hiện đại, trái thanh long sẽ được lập mã QR truy xuất nguồn gốc và đến tay người mua mà không cần phải qua trung gian… Đó là ý tưởng và sáng tạo mới của anh Trần Đại (Phú Thủy, Phan Thiết) - Một người tâm huyết với nông nghiệp tỉnh nhà. 
                
   Thanh long xuất khẩu chính ngạch.

Thương hiệu thanh long Bình Thuận

Thanh long Bình Thuận với diện tích gần 30.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 600.000 tấn, thu hoạch quanh năm. Đây là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của Bình Thuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, hiện ngành nông nghiệp đã và đang hướng nông dân tập trung đẩy mạnh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Kết quả, trong năm 2019, toàn tỉnh có 10.000 ha thanh long VietGAP và 264 ha được chứng nhận GlobalGAP, càng khẳng định thêm chất lượng nông sản tỉnh nhà.

Đáng ghi nhận, thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu “rồng xanh” Bình Thuận đã và đang được cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng dày công gầy dựng. Trong đó, nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” đối với sản phẩm thanh long, đến nay đã có 88 đơn vị tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, với diện tích sản xuất gần 2.500 ha. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ Hiệp hội thanh long đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thanh long Bình Thuận sang các nước xuất khẩu và tiềm năng xuất khẩu… Đến nay, thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu vào 16 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu thanh long năm qua đạt 7,2 triệu USD… Từ những kết quả trên, có thể khẳng định, việc xây dựng thương hiệu, đi đôi với áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, là giải pháp ưu việt để phát triển cây trồng chủ lực này.

Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại, là hệ thống phân phối thanh long còn nhiều bất cập, chủ yếu theo kênh truyền thống, qua nhiều tầng nấc trung gian. Phương thức giao dịch  thường thỏa thuận bằng miệng, giá cả bấp bênh, bởi chịu chi phối của thương lái… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của thanh long Bình Thuận trên thị trường. 

Công nghệ blockchain…

Là người từng canh tác thanh long, có đam mê, tâm huyết với loại nông sản này, anh Trần Đại (SN 1981) ở Phú Thủy, Phan Thiết rất đồng cảm với nỗi vất vả của nông dân, nhất là khi bị tư thương ép giá. Ấp ủ hơn 4 năm về một phần mềm điện tử có ích cho người trồng thanh long, anh Đại và vài người bạn đã hình thành nên một sàn giao dịch online về thanh long, miễn phí cho người dùng. Phần mềm có tên gọi “Bình Thuận Agri”, được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain, nghĩa là người tiêu dùng có thể biết rõ tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng của trái thanh long.

                       
   Anh Trần Đại và ứng dụng    binhthuanagri.com.

Cụ thể, nông dân chỉ cần vào trang “binhthuanagri.com”, đăng ký thành viên, cập nhật thông tin nhà vườn, từ quy mô, sản lượng thu hoạch, phương thức sản xuất, vật tư, phân bón, thuốc… Hàng ngày, thay vì ghi nhật ký vào sổ sách, nông dân sẽ ghi bằng nhật ký điện tử thông qua phần mềm này bằng thao tác rất dễ dàng trên điện thoại di động. Khi chúng tôi thử truy cập vào phần mềm này, ghi nhận ban đầu có hàng chục nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia thành viên. Liên lạc với anh Nguyễn Ngọc Vũ - thị trấn Chợ Lầu - huyện Bắc Bình, được biết, anh tham gia hệ thống từ tháng 7/2019 (thời điểm phần mềm đi vào hoạt động). Sau khi đăng ký thành viên, mỗi ngày anh cập nhật công việc chăm sóc cây thanh long như: xịt dưỡng trái, xịt dưỡng búp lấy tai đầu, xịt phủ dây, lặt nụ… Đồng thời, chủ vườn cập nhật những loại thuốc, phân bón mà mình đã dùng, kèm hình ảnh cụ thể. Anh Vũ cho biết thêm: “Khi cập nhật càng chi tiết, cụ thể quy trình sản xuất, việc truy xuất nguồn gốc trái thanh long sẽ càng minh bạch giúp người mua chọn hàng dễ dàng mà không phải đắn đo”.

Theo giới thiệu của anh Trần Đại - người sáng lập ra ứng dụng này, với phần mềm “Bình Thuận Agri”, sau khi thu hoạch, bán cho nhà cung ứng, nông dân sẽ đăng nhập vào ứng dụng (đã đăng ký) để đăng tải thông tin về lô hàng họ vừa bán. Tại thời điểm này, một giao dịch được tạo ra, đi kèm với một mã QR. Mã QR này sẽ gắn với lô hàng cho đến khi được bày bán đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, nhà cung ứng cũng đăng nhập vào ứng dụng truy xuất nguồn gốc để đăng tải thông tin lô hàng họ vừa mua được từ nông dân và bán cho công ty chế biến hay xuất khẩu. Các công ty thực hiện công đoạn làm sạch, đóng gói, xuất khẩu cũng vào ứng dụng để đăng tải thông tin về lô hàng mua từ nhà cung ứng. Tất cả các thông tin nói trên được cập nhật, tiếp nối để hoàn thành một chuỗi hoàn chỉnh. “Từ khi gieo mầm cho đến lúc trưởng thành, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và đến nơi tiêu thụ hàng hóa, trái thanh long đều được giám sát một cách chi tiết. Người tiêu dùng có thể biết toàn bộ đường đi của trái thanh long là nhờ vào công nghệ blockchain” - anh Trần Đại chia sẻ thêm. 

Mong muốn nhân rộng

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ blockchain trong liên kết chuỗi thanh long là ý tưởng hay, nếu áp dụng thành công, sẽ tạo ra bước đột phá mới cho thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào, thử nghiệm ra sao, được sự ủng hộ của cơ quan quản lý nhà nước và các hộ trồng thanh long, các doanh nghiệp xuất khẩu… đang là bài toán đặt ra. Đây cũng là trăn trở của người sáng lập. Trước mắt, mong muốn của anh Đại là hình thành được một vùng nguyên liệu khoảng 2.000 ha, trong số diện tích sản xuất thanh long VietGAP toàn tỉnh.

Mặc dù là thủ phủ của trái thanh long, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ blockchain cho việc xuất khẩu. Trong khi đó, theo tìm hiểu, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) và Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (Bình Dương) đã ứng dụng công nghệ này vào sản xuất, kinh doanh trái thanh long. Hiện nay 2 công ty trên đều đặn xuất khẩu trái thanh long với giá rất tốt vào các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Nhật, châu Âu. Ngoài ra, anh Đại còn ứng dụng công nghệ blockchain cho mặt hàng rau, củ, quả ở thị trường Đà Lạt và đã có đơn hàng đầu tiên xuất đi Nhật. Từ năm ngoái, thị trường dễ dãi nhất là Trung Quốc nay cũng bắt đầu có những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, trong đó có thanh long Bình Thuận. Do đó, trong tương lai không xa, đây là yếu tố sống còn của nông sản Việt nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng.

“Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”- Nên chăng, đã đến lúc, cần sự “bắt tay” giữa người sáng lập, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trồng thanh long trên địa bàn. Từ đó, sẽ triển khai nhân rộng ứng dụng công nghệ, nhiều nông dân biết đến, áp dụng, tạo ra giá trị bền vững cho nông sản Bình Thuận nói chung và thanh long nói riêng.

    
    Sau khi quét mã QR trên   trái thanh long, thông tin chi tiết về trái thanh long sẽ hiện ra như   tên sản phẩm, loại ruột trắng/đỏ, phương pháp đóng gói, kích cỡ, vùng   trồng; tên hộ nông dân trồng, địa chỉ, giới thiệu về người trồng; nhà   cung ứng; cơ sở chế biến; cách xử lý trái; thông tin xuất khẩu (mã lô,   phương tiện vận chuyển, mã container, mã kẹp chì…); các loại giấy chứng   nhận.

M.Vân - K.HẰng