Nghe và thấy: Khi “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” đã đủ
Xã hội - Ngày đăng : 16:25, 25/01/2024
Với đặc điểm thời tiết ít mưa nhiều nắng và diện tích đất nông nghiệp hơn 270.000 ha, do vậy nông dân trên địa bàn tỉnh hướng đến canh tác các loại cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên... Bình Thuận hiện cũng là một trong những ngư trường lớn nhất cả nước với 52.000 km2, sản lượng khai thác hải sản hàng năm trên 200.000 tấn và có hàng ngàn héc-ta phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản các loại… Ngoài ra, với chiều dài bờ biển 192 km, du lịch Bình Thuận đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.
Nằm ở vị trí giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh - một thị trường du lịch nội địa lớn. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ, chính vì thế giao thương kinh tế, du lịch rất thuận lợi. Để phát huy hiệu quả tuyến cao tốc, Bình Thuận đồng thời triển khai nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trục ven biển như: Đường ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà, đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện; đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, đoạn từ quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B kết nối tuyến đường bộ cao tốc với quốc lộ 1. Hai tuyến đường ĐT.719B và ĐT.719 có ý nghĩa quan trọng cho phát triển du lịch khu vực phía Nam tỉnh, bởi sẽ khơi thông kết nối nội vùng cả 4 huyện, thị, thành phố là Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi và Phan Thiết. Đối với thị xã La Gi trong những năm gần đây kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. Tuyến chính vào thị xã là QL55 cơ bản thuận lợi. Các tuyến này hoàn thành thì việc đi lại giữa thành phố Phan Thiết với thị xã La Gi, cũng như từ La Gi đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng rất thuận lợi.
Các dự án trên được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với đường bộ cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là khu vực ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận với rất nhiều tiềm năng lợi thế.
Nhiều năm qua, điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đã kìm hãm tiềm năng và lợi thế đó của Bình Thuận. Việc kết nối giao thông giữa Bình Thuận với các địa phương khác, nhất là với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ yếu thông qua tuyến giao thông chính là quốc lộ 1A nhưng từ lâu đã quá tải, thường xuyên ùn tắc. Từ TP. Hồ Chí Minh đến được Bình Thuận phải mất từ 5 - 6 giờ ngồi xe. Vì vậy, thiếu kết nối hạ tầng giao thông là lý do chính khiến Bình Thuận gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn, dự án lớn. Nhưng đến khi 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được thông xe đã phát huy giá trị đối với sự phát triển của Bình Thuận.
Năm 2023 vừa qua, Bình Thuận đón hơn 8.350.000 lượt khách, tăng 46% so với năm trước đó; doanh thu trên 22.300 tỷ đồng, tăng hơn 63% so với năm 2022. Một số doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến đầu tư cũng đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và các khu du lịch, các ngành nghề nhiều hơn…
Trong suốt chiều dài của tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận, ngoài việc kết nối với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh, cao tốc cũng đã kết nối với các khu công nghiệp đã và đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Từ một khu công nghiệp Phan Thiết quy mô 68 ha năm 1998, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.003 ha. Trong đó, có 6 khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích hơn 1.093 ha đảm bảo điều kiện để các doanh nghiệp thứ cấp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,5%.
Bên cạnh các cao tốc vừa được Chính phủ đầu tư, Bình Thuận cũng đang nỗ lực, huy động nguồn lực để triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông đồng bộ để kết nối và phát huy hiệu quả với các đoạn cao tốc, tỉnh đang gấp rút hoàn thành dự án làm mới các tuyến đường ven biển... Đồng thời, Bình Thuận đang lên phương án đầu tư làm mới tuyến đường từ Tân Minh đến Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Đây cũng là trục quan trọng để kết nối từ cao tốc, quốc lộ 1A xuống thẳng Khu công nghiệp Sơn Mỹ, cảng nước sâu, du lịch… đầu tư mở rộng quốc lộ 55 kết nối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về phía Bắc, tuyến quốc lộ 28B có nút giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với nhiều lợi thế, tạo nên trục tam giác “TP. Hồ Chí Minh - Phan Thiết - Đà Lạt”, kết nối Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ làm tuyến đường kết nối với sân bay Phan Thiết giai đoạn 2, về lâu dài, khi sân bay Phan Thiết được xây dựng hoàn thành thì hạ tầng giao thông đối ngoại của tỉnh xem như hoàn chỉnh.
Thiên thời - địa lợi - nhân hòa - 3 yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế, thu nhập cho người dân Bình Thuận.