Kịp thời nắm bắt các diễn biến phát sinh để tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết
Chính trị - Ngày đăng : 08:41, 26/01/2024
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh, năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện; trong đó tập trung triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các nghị định của Chính phủ triển khai, thực hiện Luật, tiếp tục khắc phục khuyết điểm, hạn chế kéo dài trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được công khai, minh bạch theo đúng quy định.
Những vấn đề tồn đọng, kéo dài, bức xúc nổi lên trong phát triển kinh tế - xã hội được tập trung chỉ đạo giải quyết, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các công trình, dự án trọng điểm, có quy mô lớn. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường, chỉ đạo quyết liệt gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ tổ chức, cá nhân. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đảm bảo chặt chẽ, khách quan, chính xác, đúng quy định (tỷ lệ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo đạt 91,25/85% chỉ tiêu kế hoạch của năm), trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Anh đã thẳng thắn nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện dân chủ một số nơi chưa thường xuyên, sâu kỹ, kịp thời; nhất là triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện dân chủ ở một số nơi chưa thật đảm bảo (nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước).
Mặt khác, việc nắm bắt và phản ảnh, kiến nghị những vấn đề bức xúc của nhân dân để cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết có nơi chưa quan tâm chú ý đúng mức. Công tác cải cách thủ tục hành chính chuyển biến còn chậm, có mặt yếu kém, nhất là thủ tục về đất đai. Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm chưa được khắc phục hiệu quả. Người dân và doanh nghiệp chưa thật sự hài lòng về thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết công việc, thực thi trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025), Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác xây dựng đảng, công tác dân vận năm 2024. Riêng đối với lĩnh vực QCDC cơ sở, cần triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định 61 của Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện QCDC cơ sở cần kịp thời nắm bắt tình hình, các diễn biến phát sinh để tham mưu cấp thẩm quyền khẩn trương giải quyết. Bên cạnh đó, việc triển khai các công trình dự án trọng điểm của địa phương cần thực hiện tốt QCDC cơ sở, nhất là trong triển khai kiểm kê, áp giá thu hồi đất, đền bù, tái định cư...
Ngoài ra, để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm 2024 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh: “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” bằng các giải pháp cụ thể và quyết tâm cao nhất gắn với cải thiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI của tỉnh; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi trễ hẹn, sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính; khắc phục triệt để tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...