“Cánh chim đầu đàn” của ngành Lâm nghiệp Bình Thuận

Kinh tế - Ngày đăng : 16:33, 26/01/2024

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã có những bước đi chủ động, sáng tạo, không chỉ tạo lập được vị thế doanh nghiệp trên thị trường mà còn đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là sự nghiệp trồng và bảo vệ rừng. Thành quả đó không đến nhờ vào sự may mắn mà là sự kết tinh của bàn tay lẫn khối óc.
bn4.jpg
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận.

Vượt khó

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước được UBND tỉnh giao thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, đảm bảo lợi ích hài hòa và phát triển bền vững trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Năm 2015, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận được thành lập lại, trên cơ sở hợp nhất hai doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hàm Tân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận. Chặng đường 8 năm, nhiều thăng trầm song bằng sự nhạy bén của tập thể lãnh đạo cùng sự chia sẻ của các sở, ban, ngành và sự động viên tháo gỡ cơ chế của lãnh đạo UBND tỉnh đã đưa công ty vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển ổn định.

z5033674449120_877c478f2e811b05aa18b926bfaa0d24.jpg
Tập thể công ty.

Theo đó, một trong những hướng đi mang lại hiệu quả mà công ty đã thực hiện đó là từng bước chuyển hướng từ trồng rừng kinh doanh sản xuất hướng đến phát triển rừng gỗ lớn để gắn liền với chế biến xuất khẩu. Bởi những năm trước đây do quy hoạch trồng cây nguyên liệu còn nhiều bất cập và thiếu định hướng phát triển nên rừng trồng chủ yếu chặt bán thô, hiệu quả không cao. Công ty đã mạnh dạn đề ra những bước đột phá trên cơ sở phát triển một số ngành nghề thế mạnh như chế biến gỗ, trồng rừng lấy gỗ. Qua đó, công ty đã hoạch định chiến lược trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhu cầu sử dụng, chế biến trực tiếp nhằm nâng cao tính hiệu quả sản xuất từ rừng trồng. Sự nhạy bén này đã làm thay đổi cục diện hoạt động của đơn vị. Đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận là đơn vị duy nhất trong tỉnh Bình Thuận trồng rừng kinh doanh và hiện đang nắm giữ một lợi thế rất lớn là quản lý gần 18.000 ha đất rừng. Trong đó, diện tích rừng trồng hiện có 10.000 ha, trong đó rừng keo lá tràm 5.000 ha, rừng trồng bạch đàn 3.000 ha, rừng cao su 2.000 ha. Diện tích rừng tự nhiên gần 4.000 ha. Đây chính là những tiền đề quan trọng để công ty ổn định và phát triển. Từ đó, công ty cung cấp cho xã hội nhiều lâm sản có nguồn gốc và được cấp chứng chỉ FSC, đa dạng về mẫu mã, với uy tín về chất lượng, hợp lý về giá cả.

z5033674168953_24a8c26140faf41f2613ffd02f6e4620.jpg
Ông Lê Ngọc Cường - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận. 

Với hoạt động sản xuất đồ gỗ và trang trí nội thất, công ty cũng đã tái cơ cấu hệ thống chế biến gỗ cũng như phong cách quản lý chuyên nghiệp cùng với những cải tiến kỹ thuật hợp lý nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, tận dụng những nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Sản phẩm của công ty vừa gần gũi với đời sống thuần Việt, vừa mang tính hiện đại. Hiện công ty có gần 100 chủng loại sản phẩm đồ gỗ các loại như: Bàn ghế tủ giường cao cấp, salon, sofa, trường kỷ… Sản phẩm trưng bày trong nhà, ngoài trời đa chủng loại. Mẫu mã được thiết kế mới lạ, sang trọng và đẹp mắt. Các hợp đồng gia công sản xuất đã ký kết với các khách hàng trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng, đặt biệt các đơn đặt hàng với khối lượng lớn với các khu du lịch, resort tại Hàm Tiến, Mũi Né (Phan Thiết).

Trong năm 2023, công ty tiếp tục tìm kiếm những giải pháp để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư cho lĩnh vực đầu tư chế biến gỗ, giống cây lâm nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng, chống lấn chiếm đất Nhà nước giao cho công ty quản lý; đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, dịch vụ để tăng nguồn thu… Hiện nay, doanh thu trung bình hàng năm của công ty khoảng từ 60 - 70 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển

Hoạt động phát triển rừng được coi là nhiệm vụ, mục tiêu, động lực phát triển của công ty cả trong hiện tại và lâu dài. Tuy nhiên, hiện công ty cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là do biến động thời tiết, khí hậu, kèm theo đó là tình trạng đất đai nghèo dinh dưỡng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng rừng trồng và chu kỳ kinh doanh. Bên cạnh đó, năm 2023, giá nguyên liệu gỗ rừng trồng liên tục biến động và sụt giảm liên tục từ 20 - 25% so với giá thị trường tại thời điểm cuối năm 2022, làm khó khăn cho công tác tiêu thụ sản phẩm rừng trồng của công ty. Ngoài ra, thị trường bán lẻ sản phẩm hàng mộc công ty sụt giảm sâu do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm giá rẻ và sức mua giảm so với những năm trước do nền kinh tế phục hồi sau đại địch Covid-19. Đồng thời, áp lực của việc lấn chiếm đất đai cũng ngày càng phức tạp.

Thế nhưng, với định hướng công ty sẽ trở thành Công ty Lâm nghiệp lớn trong khu vực với mục tiêu khai thác tài nguyên đất lâm nghiệp gắn kết với chuỗi giá trị từ gieo ươm - trồng rừng – chế biến – dịch vụ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đã lên kế hoạch tìm kiếm các giải pháp thị trường, Marketing để tăng doanh thu, trong đó tập trung vào các sản phẩm mộc, sản phẩm rừng trồng công ty. Phân khai kế hoạch tiêu thụ các lô rừng trồng phù hợp thời điểm để đạt doanh thu mức cao nhất. Hoàn thiện các quy chế nội bộ để tránh các rủi ro trong sản xuất kinh doanh, minh bạch tài chính. Đặc biệt, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới giống cây trồng, biện pháp lâm sinh để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, quản lý bảo vệ để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị, diện tích.

Liên quan đến chính sách cho người lao động, lãnh đạo công ty cho rằng: Người lao động là tài sản quý giá nhất và quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Chính vì vậy, công ty luôn có chính sách quan tâm đặc biệt cho cán bộ, công nhân viên của công ty như: Khám sức khỏe định kỳ, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động qua việc cử cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn. Hiện thu nhập bình quân: 13,070 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, lợi ích về mặt kinh tế, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận còn mang lại lợi ích rất lớn cho môi trường và xã hội như: cải thiện môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi trọc, điều hòa khí hậu, tích trữ điều hòa nguồn nước sông suối, chống xói mòn…góp phần tái tạo môi sinh. Bên cạnh đó, công ty còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động thời vụ tại địa phương; thực hiện nhiều công tác xã hội, đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa trên các địa bàn hoạt động của công ty.

T. Nhàn