Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đón Tết Giáp Thìn tại tháp Pô Sah Inư
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:32, 27/01/2024
Diễn ra liên tiếp từ mùng 2 đến mùng 6 tết (11 - 15/2/2024), hoạt động văn hóa gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm như kèn Saranai, trống Ghi năng… và múa truyền thống Chăm tại khu vực tháp chính của di tích do các nghệ nhân Chăm biểu diễn.
Không những được thưởng thức những nét đẹp của văn hóa truyền thống mà xem chương trình du khách sẽ có cơ hội hiểu hơn về sự huyền bí và độc đáo của nghệ thuật dân gian Chăm.
Diễn ra từ mùng 2 - 5 Tết Giáp Thìn (11 - 14/2), tại khu vực nhà biểu diễn, các nghệ nhân luân phiên trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm, làm gốm truyền thống Chăm và bánh gừng bằng phương pháp thủ công Tham gia trình diễn là các nghệ nhân đến từ các địa phương trong tỉnh như huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc. Tại nhà biểu diễn trong các ngày từ mùng 2 - 8 Tết (11 - 17/2) còn có hoạt động sáng tác tranh cát chủ đề “Mừng Đảng - Mừng Xuân Giáp Thìn”.
Từ ngày 30/12/2023 - 29/2/2024, tại khuôn viên di tích Tháp Pô Sah Inư sẽ trưng bày triển lãm ảnh chuyên đề “Vùng đất và con người Bình Thuận”. Và khi đã hài lòng với các hoạt động đậm nét văn hóa nghệ thuật, du khách có thể ghé gian hàng trưng bày và bán hàng lưu niệm như sản phẩm gốm, thổ cẩm Chăm, các loại đồ trang sức dân gian Chăm, bánh truyền thống để chọn làm quà cho người thân, bạn bè vào đầu năm mới.
Tọa lạc trên đồi Bà Nài (phường Phú Hài) cách trung tâm thành phố khoảng 5km và nằm trên trục đường đi khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, cụm di tích Tháp Pô Sah Inư còn sở hữu nhiều truyền thuyết nổi tiếng về tên gọi Lầu Ông Hoàng, sự huyền bí của cụm Tháp mang tên Pô Sah Inư, hay là nơi gắn liền với mối tình thơ Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Du xuân, đón tết tại tháp Pô Sah Inư, du khách vừa thưởng thức hoạt động văn hóa dân gian hấp dẫn, vừa có dịp tìm hiểu những câu chuyện thú vị gắn liền với di tích văn hóa - lịch sử này.